Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Nhất trí với các mức giảm mà Chính phủ đề xuất, bởi vì đây là kịch khung trong thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và không thể giảm thêm được nữa, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị có thêm đánh giá tác động của việc giảm thuế bảo vệ môi trường đến việc giảm giá xăng dầu trên thực tế.
Bởi tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu so với các nước là thấp. Cho nên tác động của việc giảm thuế chưa chắc đã tác động lớn đến giảm giá. Ngoài ra, tác động đến ngân sách nhà nước cũng cần được xem xét.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Chính phủ, Bộ Tài chính đã rất có trách nhiệm trong việc bám sát diễn biến thực tế của tình hình thực hiện, các chủ trương chung theo các kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội để có Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhận được sự đánh giá cao từ dư luận xã hội khi sớm vào cuộc mạnh để thực hiện các cam kết trong các phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ liên quan đến thực hiện đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu.
"Xăng, dầu là một loại vật tư chiến lược, đồng thời là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không chỉ đối với tiêu dùng mà đối với cả sản xuất. Do đó, nguyên tắc quản lý giá xăng, dầu theo quy định trong Luật Giá, quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước và xăng, dầu nằm trong danh mục các mặt hàng nhà nước bình ổn giá", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
Theo tính toán hiện nay, chi phí xăng, dầu trong nền kinh tế Việt Nam chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí của nền kinh tế, gas khoảng 1,45%. Cũng theo tính toán của từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, nếu giá xăng, dầu tăng khoảng 10% thì GDP của toàn bộ nền kinh tế giảm khoảng 0,5%. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong bối cảnh giá dầu tăng như hiện nay thì việc bình ổn giá là hết sức quan trọng, vừa kiềm chế lạm phát.
Về mặt nội dung nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, căn cứ vào Tờ trình của Chính phủ và thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đề nghị của Chính phủ. Đồng thời, thống nhất thời hạn áp dụng Nghị quyết là ngày 11/7 đến hết ngày 31/12/2022.
Từ 1/1/2023 sẽ áp dụng thuế bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, nếu không có trường hợp gì đặc biệt. Khi Nghị quyết này được ban hành sẽ thay thế cho Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét để nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc MFN; đồng thời, khẩn trương xem xét, nghiên cứu đối với những vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu. Trong trường hợp giá cả xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế thì Chính phủ sớm nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngoài việc cắt giảm thuế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao các ngư dân đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp.
Lưu ý Chính phủ cần chủ động có những kịch bản nghiên cứu để ứng phó cho phù hợp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát lại các yếu tố cấu thành cơ cấu giá xăng, dầu theo các nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn.
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã điều chỉnh 17 lần. Giá bán lẻ xăng dầu tăng cao gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng.
Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng và tạo áp lực lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.