Với mong muốn thảo luận đề xuất các giải pháp phù hợp cho loại hình rừng do UBND cấp xã đang tạm quản lý, ngày 30/9/2021, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature ) phối hợp cùng với Hội Chủ rừng Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến: “Vì sao gần 3 triệu ha rừng vẫn chưa có chủ?”.
CẤP XÃ “ÔM” GẦN 3 TRIỆU HA RỪNG
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến hết năm 2020, diện tích đất có rừng trên cả nước đạt 14.677.215 ha, trong đó: rừng tự nhiên 10.279.185 ha; rừng trồng 4.398.030 ha.
Hiện trạng rừng theo chủ quản lý vào năm 2020: diện tích do các Ban quản lý rừng quản lý 5.207.573 ha, chiếm 35%; các hộ gia đình quản lý 3.193.169 ha, chiếm 21%; các UBND cấp xã tạm quản lý 2.940. 484 ha, chiếm 20%; các tổ chức kinh tế quản lý sử dụng 1.743.854 ha, chiếm 12%; còn lại là các tổ chức khác 325.545 ha, chiếm 2%.
Trong diện tích gần 3 triệu ha rừng do UBND cấp xã tạm quản lý trên toàn quốc, bao gồm 1.923.644 ha rừng tự nhiên (chiếm: 65,5%) và 1.016.840 ha rừng trồng (chiếm 34,5%).
Ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết rừng và đất rừng do UBND xã quản lý là hệ quả của quá trình thực hiện chủ trương chuyển đất và rừng từ các lâm trường về địa phương. UBND cấp xã tiếp nhận, sau đó thực hiện giao đất và rừng cho các cộng đồng dân cư, các hộ gia đình cá nhân và các chủ rừng khác để trồng, chăm sóc, bảo vệ.
Thế nhưng đã 20 năm nay, công tác giao đất, giao rừng cho hộ cá nhân và tư nhân vẫn “dậm chân tại chỗ”, mặc dù đã có chủ trương xử lý từ Chính phủ.
Ông Nhị dẫn số liệu công bố năm 2009, toàn quốc có 2,3 triệu ha rừng do UBND xã quản lý. Sau gần một thập kỷ, con số này không giảm mà còn tăng thêm, lên tới 2.940.484 ha rừng vào năm 2020, tương đương 13% tổng diện tích đất có rừng tại Việt Nam.
Đề cập việc tồn tại một diện tích lớn diện tích rừng và đất rừng do UBND xã quản lý trong thời gian dài, ông Nhị cho rằng: Do thể chế giao đất của ngành tài nguyên môi trường có những khác biệt với việc giao rừng của ngành lâm nghiệp, và trách nhiệm chưa rõ ràng giữa 2 ngành này.
“Rừng phải có chủ đã được ghi trong Luật Lâm nghiệp. Nếu chỉ hô hào và giao nhiệm vụ, mà vấn đề lại ở mãi cơ sở, đa số là vùng sâu vùng xa, thì 5-10 năm nữa tình hình giao đất, giao rừng chắc cũng ít có chuyển biến đáng kể”, ông Nhị nhận định.
Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, trong diện tích rừng do UBND cấp xã tạm quản lý, tỷ lệ diện tích không có rừng cao, chất lượng rừng thấp, hạ tầng rất kém hoặc không có hồ sơ rừng, không rõ ranh giới trên thực địa…
Phân tích nguyên nhân dẫn khiến rừng do UBND cấp xã quản lý khó bảo vệ và phát triển, ông Ngãi cho biết do UBND xã không đủ nguồn lực về con người, tài chính, kỹ thuật để quản lý rừng và đất rừng.
Trong khi đó, thiếu sự phối hợp giữa xã với cơ quan chấp pháp, nên tình trạng chặt phá rừng và vi phạm Lâm luật rất đáng báo động. Mặt khác, nhiều diện tích đất rừng ở xa, địa hình phức tạp nên người dân không muốn nhận giao khoán trồng, bảo vệ.
Đề xuất về thể chế chính sách, Ông Nguyễn Bá Ngãi kiến nghị cần bổ sung một mục riêng hoặc một số điều vào Mục 4 trong Luật Đất đai về đất chưa giao. Cùng với đó, Chính phủ cần ban hành Quy chế quản lý rừng chưa giao.
Cần có chính sách riêng cho UBND xã được tiếp nhận đầu tư và hỗ trợ để quản lý rừng chưa giao. Đồng thời, cần thống kê, kiểm kê, rà soát lại chỉ tiêu thống kê và phương pháp để hàng năm thống kê loại rừng và đất rừng bảo đảm đồng bộ giữa 3 cơ quan: UBND các cấp, Ngành Lâm nghiệp và Ngành quản lý Đất đai để lập hồ sơ rừng theo dõi diến biến rừng hàng năm.
TẠO QUỸ ĐẤT RỪNG SẠCH ĐỂ GIAO CHO DÂN
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho hay trên địa bàn tỉnh vẫn nhức nhối tình trạng cháy rừng, phá rừng, khai thác rừng trái phép.
Nguyên nhân do tỷ lệ rất lớn diện tích rừng vẫn do UBND cấp xã tạm quản lý, địa hình nhiều đồi núi dốc nên khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp ngày càng tinh vi, manh động nhưng quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm còn nhiều hạn chế.
Nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác giao rừng, cho thuê rừng, vị này chia sẻ: Còn nhiều bất cập về vị trí pháp lý, quyền lợi, quyền sở hữu, trách nhiệm của cộng đồng.
"Trong thực tế cộng đồng dân cư, thôn không phải là một cấp quản lý hành chính như chủ rừng thực sự. Nếu cộng đồng nhận giao đất giao rừng, thì chưa đủ tư cách pháp nhân để ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân; vay tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển rừng".
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai.
Ông Hoan phản ánh: Hiện vẫn chưa có sự đồng bộ về giao đất, giao rừng giữa Luật đất đai và Luật Lâm nghiệp. Theo quy định tại Điều 17, Luật Lâm nghiệp: Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng.
Tuy nhiên theo quy định tại khoản 33, điều 2, Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai quy định: Nhà nước giao đất rừng tự nhiên là rừng sản xuất mà không có cho thuê đất rừng.
Đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng đa số là hộ nghèo, nguồn vốn đầu tư hạn chế. Trong khi rừng giao cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư cũng là rừng nghèo, rừng Khộp các sản phẩm tận thu dưới tán rừng hầu như chưa có gì.
Vì vậy, ông Hoan đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các tỉnh Tây Nguyên. Các bộ ngành Trung ương sớm điều chỉnh, bổ sung thống nhất, đồng bộ giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư giữa Luật lâm nghiệp và Luật đất đai.
TS Tô Xuân Phúc, Giảng viên Đại học quốc gia Úc, khuyến nghị cần tạo quỹ đất rừng “sạch” có tiềm năng sử dụng thực sự để giao cho cộng đồng hoặc hộ gia đình. Khi giao cho người dân trách nhiệm trồng, canh tác, bảo vệ rừng thì phải đi kèm với cho họ quyền lợi.
Các chủ rừng phải có quyền và tư cách pháp nhân để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết trồng rừng tạo chuỗi cung bình đẳng và cùng có lợi, hộ sử dụng quyền đất đai góp vào liên kết. Đối với rừng nghèo kiệt, nên giao cho cộng đồng hoặc nhóm hộ khoanh nuôi bảo vệ. Với đất đã có rừng, nên giao cho các hộ quản lý bảo vệ và khai thác khi cây tới chu kỳ và tái trồng rừng.