September 15, 2021 | 22:13 GMT+7

Giao địa phương làm cao tốc, hiện thực hóa mục tiêu 5.000 km trong 10 năm tới

Anh Tú -

Đến năm 2030, hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc và 172 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài gần 29.800 km. Để hoàn thành mục tiêu, Bộ Giao thông vận tải sẽ đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương, thay vì chỉ “trông chờ” vào ngân sách trung ương như trước đây...

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi lễ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi lễ.

Ngày 15/9, tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam diễn ra lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch đầu tiên trong 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021.

Xác định công tác lập Quy hoạch là nhiệm vụ rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo sát sao việc lập Quy hoạch với nỗ lực cao nhất để đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Liên quan các điểm nổi bật của quy hoạch, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết quan điểm lập Quy hoạch lần này chú trọng đến vai trò của phương thức vận tải là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình, dưới 300 km, hỗ trợ gom, giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác làm cơ sở để xây dựng kịch bản phát triển kết cấu hạ tầng và kịch bản dự báo.

 
"Sau khi đánh giá sự thành công của các mô hình địa phương triển khai đầu tư dự án đường bộ cao tốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tiền Giang… việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương cũng là đổi mới tư duy quản lý trong giai đoạn tới".
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 2,76 tỷ tấn, chiếm 62,80% thị phần. Vận chuyển hành khách đạt 9,4 tỷ lượt hành khách, chiếm 90,16% thị phần.

Quy hoạch đến năm 2030 xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc và 172 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài 29.795 km.

Đến năm 2050  hình thành 41 tuyến với 9.014km cao tốc; quy hoạch đường ven biển vào hệ thống quốc lộ; điều chỉnh điểm đầu, cuối cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; điều chỉnh về chiều dài và quy mô đối với cao tốc vành đai đô thị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tuỳ theo nhu cầu phát triển đô thị, có thể đi trên cao một số đoạn.

Về cơ chế, chính sách, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, cần tiếp tục rà soát các bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ để thu hút nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Về nguồn vốn đầu tư, huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư đường bộ cao tốc, theo đó các dự án chủ yếu triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư, vốn ngân sách nhà nước sẽ đóng vai trò “vốn mồi”. Ngoài ra, việc huy động ngân sách địa phương tham gia đầu tư các tuyến cao tốc trên địa bàn cũng đa dạng thêm nguồn lực đầu tư thay vì chỉ “trông chờ” vào ngân sách trung ương như đã triển khai trong trước đây.

“Với những quyết tâm cao, nỗ lực không ngừng và cầu thị trong công tác lập quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải tin tưởng Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là động lực để thúc đẩy hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đảng, Chính phủ đề ra”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đây là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch, được đánh giá có quy mô, phạm và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia của cả nước.

Đồng thời đây cũng là lần đầu tiên các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải được thực hiện đồng thời, có phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức, từng hành lang vận tải chính, đảm bảo tính hệ thống, kết nối đồng bộ giữa các chuyên ngành.

 
Kết quả chủ yếu của quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(1) Cao tốc: Đến năm 2030, có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc, tăng khoảng 3.841 km so với với năm 2021. Đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km, bao gồm:
Trục dọc Bắc Nam (02 tuyến): Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn - Cà Mau, chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô 4 - 10 làn xe;  Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài khoảng 1.205 km, quy mô 4 - 6 làn xe;
Khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực miền Nam gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290 km, quy mô 4 - 10 làn xe.
Vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội gồm 3 tuyến, chiều dài khoảng 425 km, quy mô 4 - 6 làn xe; vành đai đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gồm 2 tuyến, chiều dài khoảng 295 km, quy mô 4 - 8 làn xe.
(2) Mạng lưới Quốc lộ: gồm 172 tuyến, tổng chiều dài khoảng 29.795 km, tăng 5.474 km so với năm 2021, phân chia thành quốc lộ chính yếu và thứ yếu, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp III đối với đoạn đường thông thường và cấp IV đối với đoạn khó khăn;
(3) Đường bộ ven biển: Qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài khoảng 3.034 km, quy mô 2 - 4 làn xe, hướng tuyến các đoạn không đi trùng các quốc lộ, cao tốc được quyết định trong quy hoạch tỉnh. Bộ Giao thông vận tải đầu tư đoạn đi trùng quốc lộ, cao tốc; các địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư các đoạn còn lại trước năm 2030.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate