Ngày 20/9, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và VBA đồng tổ chức hội nghị “Quy định về phòng chống rửa tiền và vai trò của phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hoá”.
GIAO DỊCH ẨN DANH VÀ PHỨC TẠP
“Tại Việt Nam, tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng, trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới”, ông Phan Đức Trung Trung nói.
Xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sàn Binance.com, với gần 42 triệu lượt truy cập từ ngày 1/10/2021 – 1/10/2022. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.
Theo các chuyên gia, chính sự tăng trưởng mạnh mẽ này cùng với sự thiếu hụt về hành lang quản lý, các công nghệ hiện đại cũng đứng trước nguy cơ bị giới tội phạm lợi dụng vào những mục đích bất chính để thu lợi cá nhân như rửa tiền, tài trợ khủng bố, tham nhũng...
Thực tế, dù chưa ghi nhận các vụ việc rửa tiền mã hoá tại Việt Nam nhưng đã có một công dân Việt Nam bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã.
Phó Chủ tịch thường trực VBA thông tin: “Đối với thị trường tiền mã hoá trong nước, tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có hơn 200 dự án blockchain hoạt động. Theo thống kê từ Statista, doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hoá tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hoá sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027”.
Theo thống kê từ Statista, doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hoá tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hoá sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027.
Ông Phan Đức Trung nêu rõ hai thách thức chính mà hoạt động phòng chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hoá phải đối mặt.
Thứ nhất, tính ẩn danh và sự phức tạp của các giao dịch tiền mã hoá gây khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc theo dõi và phát hiện các nguy cơ rửa tiền nếu không có chuyên môn, đặc biệt khó kiểm soát việc chuyển tiền mã hoá do tính chất xuyên biên giới; phải phụ thuộc vào các công cụ tư nhân chi phí cao.
Thứ hai, thiếu quy định đồng bộ toàn cầu. Hiện tại chỉ có một số nước ban hành các quy tắc để quản lý thị trường tiền mã hoá. Phần lớn các quốc gia đều đang thiếu hụt khung quy định. Do đó việc tuân thủ các khuyến nghị chung từ Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF) là khá khó khăn.
KHOẢNG TRỐNG PHÁP LÝ VỀ RỬA TIỀN TRONG GIAO DỊCH TIỀN MÃ HOÁ
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch VNBA cho rằng những năm gần đây tiền mã hoá đã được một số quốc gia chấp nhận để thanh toán taoh nguy cơ rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này.
Theo đó, các chuyên gia, các thành viên thị trường cần đồng hành với Ngân hàng Nhà nước để tập trung làm rõ tiền mã hoá là gì? Quy định pháp luật về loại tiền này như thế nào? Nước ta chưa công nhận tiền mã hoá song trên thực tế vẫn diễn ra các giao dịch, vậy phòng chống rửa tiền như thế nào đối với loại tiền này? Cần kiến nghị các cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện quy định pháp luật nào để hạn chế ngăn chặn được hành vi phạm tội? Các tổ chức tín dụng cần những chuẩn bị về nhân sự và trang bị kiến thức pháp luật nào để phòng, chống rửa tiền có hiệu quả khi phải đối mặt với tội phạm mới này?
Với sự gia tăng nhanh chóng này, trong bối cảnh các khung quy định dành cho thị trường tiền mã hoá còn bỏ ngỏ, nguy cơ hoạt động rửa tiền mã hoá tại Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Bên cạnh tội phạm rửa tiền mã hoá xuyên biên giới, thì tội phạm rửa tiền truyền thống ở trong nước cũng sẽ tìm đến thị trường đầy tiềm năng này do không bị ràng buộc pháp lý.
Đặc biệt, Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách xám các nước cần tăng cường chống rửa tiền (AML). Đây là danh sách "xám" các nước cần được giám sát chặt chẽ của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính về chống rửa tiền (FATF) gồm 20 quốc gia, trong đó có UAE, Syria, Panama, Quần đảo Cayman... FATF cho biết, sẽ hoạt động để đảm bảo tính độc lập của các cơ quan chịu trách nhiệm điều tra tội phạm tài chính, quản lý tài sản số và tăng cường hợp tác quốc tế chống rửa tiền.
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, tính tới thời điểm hiện nay mới chỉ có một số quốc gia, vùng lãnh thổ kịp ban hành quy định pháp lý để ngăn chặn tội phạm tài chính sử dụng công nghệ cao và công nghệ blockchain như Liên minh châu Âu (EU) với đạo luật Thị trường Tài sản mã hóa (MiCA). Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2024, MiCA mới chính thức có hiệu lực.
Các nền kinh tế năng động khác như Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, cũng ban hành nhiều quy định để tăng cường tính minh bạch, đảm bảo tuân thủ pháp lý và an toàn cho người dùng đồng thời thực hiện nghĩa vụ AML/CFT (chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố).
Còn tại Việt Nam, ông Nguyễn Đoan Hùng chỉ ra rằng do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời do thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số nên mặc dù Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2023 nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.