Ngày 20/5, trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, cho biết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục, đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, có 2.210 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,7%.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng giải quyết kiến nghị cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của một số Bộ, ngành Trung ương.
Đơn cử, cử tri tỉnh Bình Dương phản ánh về việc giáo viên các trường học mầm non, các trường tiểu học, các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Tân Uyên phải dạy thêm giờ do thiếu giáo viên.
Tuy nhiên, họ không được hưởng tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07 ngày 8/3/2013 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Trả lời cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 07. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho nhà giáo theo quy định.
“Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa làm rõ về khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến việc giáo viên tại thành phố Tân Uyên không được hưởng lương dạy thêm giờ để đưa ra giải pháp giải quyết kiến nghị cử tri”, ông Bình cho hay.
Vì thế, cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát việc thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên trên địa bàn thành phố Tân Uyên. Đặc biệt, cần làm rõ nguyên nhân không thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho giáo viên, trên cơ sở đó có giải pháp để giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri.
Cũng trong lĩnh vực giáo dục, cử tri tỉnh Bắc Kạn phản ánh trong quá trình thực hiện chính sách khuyến khích để xét cấp học bổng đối với học sinh trường trung học phổ thông chuyên của Bắc Kạn có vướng mắc giữa quy định về hạnh kiểm, học lực với quy định đánh giá, xếp loại kết quả rèn luyện, kết quả học tập của học sinh.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết qua giám sát cho thấy, tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 84 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục quy định về đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập: “Học sinh khối trung học phổ thông chuyên trong cơ sở giáo dục đại học, học sinh trường chuyên có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi trong kỳ xét học bổng…”.
Tuy nhiên, tại Thông tư số 22 ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông lại đánh giá về kết quả rèn luyện và kết quả học tập của học sinh theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Không đánh giá học sinh có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi, nên các địa phương không có cơ sở để triển khai thực hiện chính sách học bổng khuyến khích học tập theo Nghị định số 84.
Để giải quyết vướng mắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 7103 ngày 19/12/2023, trong đó đề nghị các địa phương thực hiện chính sách học bổng khuyến khích học tập cho đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập theo cách chuyển tương đương: Học sinh đạt kết quả “Rèn luyện đạt mức Tốt, kết quả học tập đạt mức Tốt” được tính tương đương như học sinh đạt kết quả “Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi”.
Tuy nhiên, công văn nêu trên chỉ là công văn hành chính, không thể dùng thay thế văn bản quy phạm pháp luật.
Học bổng khuyến khích học tập được quy định tại Nghị định số 84 là chính sách tốt đẹp hỗ trợ thiết thực về tài chính của Nhà nước dành cho học sinh khối trung học phổ thông chuyên trên phạm vi toàn quốc nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính cho gia đình học sinh.
Đồng thời khuyến khích học sinh phấn đấu học tập, nhưng chưa được triển khai hiệu quả trên thực tế, do quy định thiếu thống nhất giữa Nghị định số 84 và Thông tư số 22.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, đây đều là các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu xây dựng trình Chính phủ ban hành, hoặc trực tiếp ban hành.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương rà soát tổng thể trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 84, hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22 cho phù hợp với thực tiễn. Qua đó, kịp thời thực hiện học bổng khuyến khích học tập cho học sinh; rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu xây dựng trình ban hành và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.