June 07, 2022 | 06:00 GMT+7

Giỏ hàng hoá và lạm phát tăng gây khó khăn cho nền kinh tế

Song Hà -

Giá xăng dầu tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là nguyên nhân chủ yếu đẩy CPI tháng 5/2022 tăng 0,38%. Nhiều lo ngại thời gian tới kinh tế trong nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn, sức ép lạm phát tiếp tục tăng...

CPI tháng 5/2022 tăng 0,38%
CPI tháng 5/2022 tăng 0,38%

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.

GIÁ LƯƠNG THỰC VÀ XĂNG DẦU TĂNG TÁC ĐỘNG MẠNH ĐẾN CPI

Với mức tăng này, CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020 (tốc độ tăng CPI 5 tháng đầu năm 2017-2020 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: tăng 4,47%; tăng 3,01%; tăng 2,74%; và tăng 4,39%).

Trong xu hướng giá cả vẫn đang tăng, nhiều khả năng, năm nay, lạm phát sẽ không còn ở mức thấp như năm ngoái (1,84%), mà sẽ xoay quanh ngưỡng mục tiêu 4%.

Một số tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế trong nước đều đưa ra nhận định, lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ vào khoảng 3,8-4%, thậm chí có dự báo đưa ra con số 4,5% khi từ nay đến cuối năm, nền kinh tế còn nhiều biến động, giá dầu thô và các loại nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng.

Giá xăng dầu tăng liên tục trong 3 lần điều chỉnh gần đây chắc chắn tác động rất lớn tới việc kiểm soát CPI. Nhìn vào CPI tháng 5/2021, có thể thấy rất rõ điều này, tăng cao nhất vẫn là nhóm hàng giao thông, với mức tăng 2,34%, làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm.

Nhóm hàng này tăng cao như vậy chủ yếu ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào các ngày 04/5/2022, 11/5/2022 và 23/5/2022, khiến giá xăng tăng 5,93%; giá dầu diezen tăng 3,99%.

Giá xăng tăng trong bối cảnh nhu cầu đi lại đang tăng cao trở lại sau dịch cũng đã đẩy giá dịch vụ giao thông công cộng tăng mạnh, với 1,06%. Trong đó, riêng giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng tới 1,91%.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 5/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy là bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%).

Điều này, theo Tổng cục Thống kê, phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Nhiều chuyên gia nhận định, sức ép lạm phát tiếp tục tăng và kéo dài trong năm 2022 bởi giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.

Hơn nữa, giá xăng dầu tăng đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó đã có những tác động làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế.

Việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc…

Đối với hoạt động thương mại, dịch vụ, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái bình thường như của những năm trước dịch Covid-19, nhu cầu du lịch tăng mạnh cùng với sự kiện SEA Games 31 vừa được tổ chức tại Việt Nam đã làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 5/2022 trở nên nhộn nhịp và sôi động đã tác động tích cực đến thị trường hàng hóa trong nước.

Giỏ hàng hoá và lạm phát tăng gây khó khăn cho nền kinh tế - Ảnh 1

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2022 đạt 477,3 nghìn tỷ đồng, mặc dù chỉ tăng 4,2% so với tháng trước nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tăng 22,6% (cùng kỳ giảm 1,03%). Tính chung 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.257,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,58%). “Mức tăng này đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh”, Tổng cục Thống kê nhận định.

ĐIỀU HÀNH KỊP THỜI, PHÙ HỢP VỚI DIỄN BIẾN CUNG CẦU

Bộ Công Thương cho rằng, thời gian tới kinh tế trong nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn như: nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là những bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng nói chung, trong đó có các quốc gia có nhập khẩu nhiên liệu, nhập khẩu dầu thô từ Nga, đẩy giá thành ở các thị trường đó lên làm gia tăng áp lực lên thị trường thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Việt Nam, nhất là những ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào như sắt thép, kim loại, hóa chất, phân bón...

Bên cạnh đó giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu  vào của sản xuất dự báo tiếp tục tăng cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, việc triển khai các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực lạm phát.

Để đảm bảo ổn định thị trường, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường.

Với giá xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn đã giảm 50% và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa, tuy nhiên, thời gian tới nếu giá tiếp tục tăng cao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá để điều hành bình ổn giá xăng dầu. Cùng với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sử dụng các công cụ khác như thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu như xem xét giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… trong cơ cấu giá xăng dầu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate