July 18, 2021 | 21:37 GMT+7

Giới chuyên gia: Anh dỡ phong toả lúc này là nguy hiểm cho cả thế giới

An Huy -

Các nhà khoa học trên toàn cầu chỉ trích kế hoạch của Chính phủ Anh về nới gần như tất cả các biện pháp hạn chế chống Covid-19, gọi đây là một hành động nguy hiểm cho cả thế giới...

Thủ tướng Anh Boris Johnson - Ảnh: Bloomberg.
Thủ tướng Anh Boris Johnson - Ảnh: Bloomberg.

Tại một hội nghị trực tuyến diễn ra vào hôm thứ Sáu vừa rồi, các nhà khoa học hàng đầu và cố vấn chính phủ từ các quốc gia cảnh báo rằng nước Anh tự dấn thân vào thảm hoạ bằng cách dỡ bỏ hầu hết các hạn chế còn lại từ ngày thứ Hai (19/7). Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hơn 1.200 nhà khoa học ủng hộ một lá thư đăng trên tạp chí y khoa Lancet, trong đó nói kế hoạch của Thủ tướng Anh Boris Johnson được gọi là “nguy hiểm và vội vã”.

Hầu hết các hạn chế chống dịch còn lại của nước Anh, gồm quy định bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, sẽ được dỡ bỏ vào ngày thứ Hai. Ông Johnson gọi việc dỡ bỏ các hạn chế này là bước đi “không thể đảo ngược”.

 
Giáo sư sức khoẻ cộng đồng Michael Baker, một cố vấn của Bộ Y tế New Zealand, cho biết ông “sửng sốt” trước kế hoạch của Chính phủ Anh về dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế vào ngày 19/7.

Người đứng đầu Chính phủ Anh đã bảo vệ quyết liệt chiến lược mở cửa này và lập luận rằng giờ “là thời điểm đúng đắn để tiến hành”, trước khi thời tiết chuyển sang mát mẻ và nhân lúc các trường học đang nghỉ hè.

“Quan trọng nhất là chúng ta tiến hành với sự thận trọng… chúng ta không thể trở lại ngay trạng thái bình thường như trước khi có Covid kể từ ngày thứ Hai tới được”, ông Johnson nói trong một cuộc họp báo hôm 12/7.

Phát biểu tại một cuộc thảo luận trong khuôn khổ hội nghị trực tuyến hôm thứ Sáu, bà Chrsitina Pagel, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu hoạt động lâm sàng thuộc Đại học London (UCL), cảnh báo về nguy cơ xuất hiện một biến chủng mới của Covid-19 ở Anh trong mùa hè năm nay.

“Bất kỳ một đột biến nào có thể gây nhiễm bệnh ở những người đã tiêm vaccine đều có lợi thế lựa chọn lớn và có thể lây lan”, bà Pagel nói. “Và do vị trí của nước Anh là một trung tâm đi lại toàn cầu, bất kỳ biến chủng nào trở thành chủ đạo ở Anh cũng đều có khả năng lây lan ra khắp thế giới, như những gì chúng ta đã chứng kiến với biến chủng Alpha. Tôi cũng tin chắc rằng nước Anh đã đóng góp vào sự lây lan của biến chủng Delta ở châu Âu và Bắc Mỹ”.

“Chính sách của nước Anh không chỉ ảnh hưởng đến riêng nước Anh, mà ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia khác. Tất cả đều bị ảnh hưởng bởi những gì chúng ta làm”, bà Pagel phát biểu.

Nhà dịch tễ học lâm sàng Deepti Gurdasani, người cũng tham dự hội nghị trên, đồng tình với quan điểm của bà Pagel, nói rằng “thế giới đang dõi theo cuộc khủng hoảng không thể tránh được đang hình thành ở nước Anh”.

Giáo sư sức khoẻ cộng đồng Michael Baker, một cố vấn của Bộ Y tế New Zealand, cho biết ông “sửng sốt” trước kế hoạch của Chính phủ Anh về dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế vào ngày 19/7. Theo ông Baker, có vẻ Chính phủ Anh đang quay trở lại với phương pháp trông chờ vào “miễn dịch cộng đồng” – một điều mà ông cho là “hoàn toàn không thể chấp nhận” vì chiến lược này đã “thất bại thảm hại trên toàn cầu”.

New Zealand được xem là một quốc gia thành công trong việc kiểm soát Covid-19. Cuộc sống ở đảo quốc này đến nay đã trở lại trạng thái tương đối bình thường và ở thời điểm ngày 16/7 chỉ có 48 ca bệnh đang điều trị, tất cả đều là các ca nhập cảnh và bao gồm 9 ca được phát hiện cùng ngày.

Xếp hàng chờ tiêm phòng Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở London, Anh, hôm 5/6/2021 - Ảnh: Reuters.
Xếp hàng chờ tiêm phòng Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở London, Anh, hôm 5/6/2021 - Ảnh: Reuters.

Nhà virus học người Mỹ William Haseltine phát biểu tại hội nghị hôm thứ Sáu rằng thế giới “luôn trông đợi ở nước Anh những chính sách tuyệt vời và nhạy cảm. Không may, đó không phải là điều có được trong đại dịch Covid. Điều khiến tôi lo sợ là nhiều bang của Mỹ có thể vì bốc đồng mà học theo cách làm của Anh”.

Ông Halestine cũng chỉ trích “miễn dịch cộng đồng” - phương pháp dựa vào việc dân số tự tạo ra miễn dịch đối với một căn bệnh nào đó thông qua lây nhiễm. Ông gọi phương pháp này là “giết người”. “Đó là từ mà chúng ta nên dùng, bởi vì sự thật đúng là như vậy. Cách làm đó sẽ dẫn tới hàng nghìn người, thậm chí là hàng chục nghìn người tử vong”.

Ông Yaneer Bar-Yam, Chủ tịch New England Complex Systems Institute, nói giờ là lúc các chính phủ cần hành động, nhưng theo hướng ngược lại của nước Anh. “Mở cửa khi đại dịch còn đang lan tràn là không phù hợp với mục tiêu bảo vệ người dân. Mọi người đều bị ảnh hưởng khi đại dịch vượt khỏi tầm kiểm soát”, ông nói.

Bà Shu-Ti Chiou, Chủ tịch Quỹ Sức khoẻ và Phát triển bền vững của Đài Loan cho rằng sẽ là phi đạo đức khi “giằng chiếc ô khỏi những người không mặc áo mưa trong lúc trời đang mưa lớn” – chỉ những người chưa được tiêm vaccine.

Tuy nhiên, cũng có những cảnh báo rằng ngay cả những người đã được tiêm phòng đầy đủ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi mức độ lây nhiễm gia tăng của Covid-19. Luật sư Meir Rubin, một cố vấn về quản trị rủi ro của Chính phủ Israel, cảnh báo “ngay cả những vaccine tốt nhất cũng chỉ là một chiến thuật, không phải là một chiến lược”.

Ông Rubin nói có một vùng của Israel đã có hơn 80% dân số được tiêm phòng đầy đủ bằng vaccine của Pfizer/BioNTech, nhưng Covid-19 vẫn bùng phát. Ông cho rằng nếu không cảnh giác với Covid-19, thì ngay cả những cộng đồng đã tiêm phòng đầy đủ cũng có thể “sụp đổ vì biến chủng tiếp theo”.

Ông Halestine nhấn mạnh chỉ riêng vaccine là không đủ để chấm dứt đại dịch. “Cho dù bạn có tiêm phòng đầy đủ, bạn vẫn cần những nỗ lực nghiêm túc và biện pháp kiểm soát… Chính sách mở cửa đất nước trong lúc đang có một làn sóng lây nhiễm là cực kỳ nguy hiểm”, ông cảnh báo.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate