January 04, 2023 | 09:55 GMT+7

Giới đầu tư chứng khoán, tiền ảo và trái phiếu còn chưa “hoàn hồn” sau cuộc bán tháo năm 2022

An Huy -

2022 là một năm “vỡ mộng” đối với nhà đầu tư tài chính toàn cầu: cổ phiếu lao dốc, trái phiếu bị bán tháo mạnh chưa từng thấy, và tiền ảo tuột dốc không phanh dẫn tới sự sụp đổ của một loạt “ông lớn” trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số như sàn giao dịch FTX...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: NYSE.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: NYSE.

Những biến động này đã gây ra những cơn chấn động ở Phố Wall và khắp các sàn giao dịch khác trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp phải hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu. Những ngân hàng vốn thường kiếm đậm từ việc tư vấn các thương vụ và bảo lãnh phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) phải cắt giảm tiền thưởng vì nguồn thu trở nên eo hẹp. Người hưu trí ngậm ngùi chứng kiến tài khoản tiết kiệm trong các quỹ lương hưu suy giảm.

Cả năm ngoái, chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - giảm 19%, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 8,8% và chỉ số Nasdaq sụt 33% do cổ phiếu công nghệ là nhóm giảm mạnh nhất thị trường. Cả ba chỉ số cùng có năm giảm mạnh nhất kể từ 2008, năm của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu còn thê thảm hơn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - mốc tham chiếu cho lãi suất nhiều loại khoản vay, từ vay thế chấp nhà cho tới vay học tập - đã tăng lên mức hơn 3,8% vào cuối năm từ mức gần 1,5% vào đầu năm. Lợi suất tăng khi giá trái phiếu giảm.

Lý do nào khiến các tài sản giảm giá mạnh đến như vậy? Tờ Wall Street Journal giải thích đó là do đặt cược sai lầm rằng sự leo thang của lạm phát bắt đầu từ năm 2021 sẽ chỉ là vấn đề tạm thời. Trên thực tế, áp lực giá cả đã không suy yếu như kỳ vọng, mà thay vào đó đã tăng mạnh hơn trong năm 2022 khi giá dầu thô và khí đốt tăng bùng nổ do chiến tranh Nga-Ukraine. Ngay cả khi giá năng lượng xuống thang sau đó, lạm phát chỉ giảm với tốc độ chậm chạp. Nhằm kéo tụt lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã triển khai chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất kể từ thập niên 1980.

Chính sách siết lại khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi những giao dịch phổ biến nhất trên thị trường trong những năm trước. Khi lãi suất còn ở mức siêu thấp trong suốt hơn 1 thập kỷ sau khủng hoảng tài chính 2008, nhà đầu tư mất ít chi phí để đặt cược vào cổ phiếu của những công ty chưa có lợi nhuận nhưng hứa hẹn sẽ mang lại mức tăng trưởng lớn về sau. Giờ đây, khi trái phiếu ngắn hạn, các quỹ thị trường tiền tệ và các khoản đầu tư có độ thanh khoản cao như tiền mặt mang lại mức lợi tức cao nhất trong nhiều năm, nhiều nhà quản lý quỹ không còn muốn đặt cược vào những tài sản có độ rủi ro cao và thiếu chắc chắn.

Biến giá một số loại tài sản trên thị trường tài chính Mỹ năm 2022 - Nguồn: WSJ.
Biến giá một số loại tài sản trên thị trường tài chính Mỹ năm 2022 - Nguồn: WSJ.

Đó là lý do vì sao các cổ phiếu công nghệ lại bị bán tháo mạnh đến như vậy trong năm 2022. Chỉ số NYSE FANG+ Index - một thước đo của giá những cổ phiếu như Meta Platforms, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet - đã giảm khoảng 40% trong năm 2022. Cổ phiếu Tesla có năm giảm mạnh nhất từ trước đến nay, với mức giảm gần 70%, trong bối cảnh CEO Elon Musk gây ra nhiều tranh cãi quanh việc ông thâu tóm công ty mạng xã hội Twitter.

“Nhà đầu tư đã được nuông chiều trong quá khứ bởi họ đã trải qua một thời kỳ dài, nhất là từ những năm 2000, với định giá cổ phiếu ngày càng tăng và mức độ biến động tương đối thấp, ngoại trừ giai đoạn khủng hoảng tài chính”, Giám đốc đầu tư Maria Vassalou của Goldman Sachs Asset Management phát biểu, nói thêm rằng sự êm ả đó của thị trường đã bị đảo lộn khi Fed chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2022.

Giá Bitcoin giảm hơn 60% trong năm ngoái, đảo ngược xu hướng tăng bùng nổ lên mức kỷ lục trong năm 2021. TerraUSD, một đồng tiền ảo được quảng cáo là “hầm trú ẩn” cho những giai đoạn biến động, đã sụp đổ. Nhà đầu tư và khách hàng của những công ty tiền ảo như Celsius Network và Three Arrow Capital nhiều khả năng trắng tay sau khi những công ty này phá sản.

Nhưng mức độ biến động gia tăng cũng mang lại cơ hội cho một bộ phận nhà đầu tư. Những cú dịch chuyển lớn cho phép các nhà lựa chọn cổ phiếu (stock picker) trước đó hành động khác với đám đông quay trở lại. Khoảng 55% quỹ tương hỗ vốn hoá lớn được quản lý chủ động được cho là đạt kết quả vượt trội so với chỉ số tham chiếu trong năm nay, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2007 - theo một phân tích của ngân hàng Goldman Sachs. Các quỹ phòng hộ triển khai chiến lược tận dụng biến động thị trường cũng lãi lớn.

Một nhóm khác cũng kiếm đậm trong năm 2022 là những nhà đầu tư xác định đúng thời điểm của đợt tăng giá trên thị trường hàng hoá cơ bản.

Giá dầu thô giao sau tại thị trường Mỹ đã vượt mốc 130 USD/thùng vào tháng 3 sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, mức cao nhất 13 năm. Dù giảm sau đó, giá dầu WTI vẫn tăng nhẹ trong cả năm, trở thành một trong những điểm sáng hiếm hoi trên thị trường.

Cơn sốt giá dầu năm 2022 là động lực cho cổ phiếu năng lượng. Cổ phiếu hãng dầu lửa Occidental Petroleum đã lọt vào top danh mục của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett và hoàn tất năm với mức tăng mạnh chưa từng thấy. Một hãng dầu lửa khác là Exxon Mobil cũng đạt lợi nhuận kỷ lục trong năm 2022.

Biến động chỉ số S&P 500 qua các năm -  Nguồn: WSJ.
Biến động chỉ số S&P 500 qua các năm -  Nguồn: WSJ.

Ở thời điểm hiện tại, giới đầu tư và các nhà phân tích ở Phố Wall vẫn tiếp tục tranh luận về những gì có thể xảy ra tiếp theo.

Nhiều nhà kinh tế học dự báo kinh tế Mỹ suy thoái trong năm 2023, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn ở mức thấp lịch sử.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bày tỏ quan điểm cho rằng cuộc chiến chống lạm phát của Fed còn chưa đến lúc kết thúc. Trong khi đó, thị trường đang tính đến một kịch bản hoàn toàn khác. Các nhà giao dịch trái phiếu đang đặt cược Fed sẽ chuyển từ tăng sang cắt giảm lãi suất ngay trong năm 2023.

Một dấu hiệu khác cho thấy các nhà đầu tư đang nghi ngờ những gì Fed nói là đồng USD chưa thể quay trở lại gần mức đỉnh 20 năm thiết lập hồi tháng 9.

Sự khác biệt giữa những gì Fed nói và những gì thị trường đang nghĩ đang đặt ra những lo ngại về khả năng xuất hiện những sóng gió mới trong năm 2023. Liệu giá các tài sản có tiếp tục sụt giảm như sau khủng hoảng tài chính 2008, nhưng sẽ tìm thấy đáy vào đúng thời điểm? Hay liệu thị trường có giảm nhiều hơn dự báo như thời gian sau khi vỡ bong bóng dotcom hồi đầu những năm 2000. Khi đó, S&P 500 phải mất 2 năm rưỡi mới chạm đáy, liên tục dập tắt hy vọng của các nhà giao dịch cho rằng bán tháo sắp kết thúc.

Hiện tại, cả lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn ngắn và dài đều phản ánh kỳ vọng Fed chuyển sang mềm mỏng, thay vì giữ chính sách thắt chặt trong tương lai gần như Fed nói. Điều này có thể gây ra rắc rối cho các nhà giao dịch nếu dự báo của họ về chính sách tiền tệ trong năm 2023 là sai.

“Chúng ta đều thấy rằng tất cả các lãi suất, nhất là lãi suất ngắn hạn, đang quá thấp”, ông Roberto Perli, trưởng nghiên cứu chính sách toàn cầu của Piper Sandler, nhận định. Ông Perli nói thêm rằng ở thời điểm hiện nay, cả thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đều không phản ánh khả năng chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate