Các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt cược vào kỳ vọng thị trường trái phiếu Trung Quốc sẽ có xu hướng đi lên, kể cả khi Bắc Kinh vừa có loạt động thái biện pháp can thiệp hiếm thấy nhằm hạ nhiệt “cơn sốt” trên thị trường trái phiếu chính phủ.
Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BPOC) đã có động thái chưa từng có khi yêu cầu các ngân hàng tại tỉnh Giang Tây dừng thực hiện các giao dịch mua trái phiếu chính phủ.
Đây là động thái can thiệp mới nhất và mạnh tay nhất từ trước tới nay trong chuỗi biện pháp can thiệp mà nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện thời gian qua nhằm hạ nhiệt thị trường trái phiếu, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ nước này rơi xuống mức thấp kỷ lục và làm dấy lên lo ngại về rủi ro với hệ thống ngân hàng.
Những tháng gần đây, các nhà đầu tư ngoại đã giảm vị thế đầu tư vào trái phiếu chính phủ Trung Quốc, nhưng lại chuyển sang mua mạnh trái phiếu ngắn hạn của các ngân hàng nước này.
“Xét ở góc độ vĩ mô, vẫn còn nhiều dư địa để lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm”, ông Mark Evans, nhà phân tích về trái phiếu và tiền tệ châu Á tại công ty quản lý quỹ Ninety One, nhận định với tờ Financial Times. “Lạm phát tại Trung Quốc vẫn rất thấp, phản ánh nhu cầu nội địa yếu. Do đó, lợi suất thực tế từ trái phiếu doanh nghiệp rất hấp dẫn với nhà đầu tư”.
Đầu tháng này, lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục hơn 2,1%, trong khi kỳ hạn 30 năm là 2,3% trong bối cảnh thị trường lo ngại về nguy cơ giảm phát rình rập nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Về lý thuyết, mức lợi suất danh nghĩa trên – thấp hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ - khiến các nhà đầu tư ngoại không mặn mà. Nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm giữ khoảng 2,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (300 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Trung Quốc, giảm hơn 10% so với 3 năm trước, theo dữ liệu từ công ty lưu ký chứng khoán ChinaBond. Tuy nhiên, trái phiếu phát hành tại Trung Quốc vẫn tương đối hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài bởi họ có thể kiếm lời thêm nhờ việc chuyển đổi USD sang nhân dân tệ.
Theo dữ liệu từ Shanghai Clearing House, tính tới cuối tháng 7, tổng giá trị chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng của các ngân hàng Trung Quốc trong tay khối ngoại là hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng mạnh so với 260 tỷ nhân dân tệ cùng thời điểm năm ngoái.
“Mức lợi suất cao hơn khoảng 4 điểm phần trăm so với lợi suất trái phiếu chính phủ là khá hấp dẫn”, bà Sabrina Jacobs, quản lý danh mục tại Pictet Asset Management, nhận xét. “Nhà đầu tư có thể thu về lợi suất tới 6% từ một loại tài sản ít có sự tương quan với thị trường Mỹ này".
Lợi suất cao cùng kỳ hạn ngắn của trái phiếu ngân hàng Trung Quốc đang khiến cho loại tài sản này trở nên hấp dẫn hơn. Trong năm qua, trái phiếu ngân hàng chiếm khoảng 2/3 tổng giá trị mua ròng trái phiếu Trung Quốc của nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, khối ngoại giảm khoảng 50% lượng trái phiếu chính phủ Trung Quốc mà họ đang nắm giữ, theo dữ liệu từ Citic Securities.
Về phía PBOC, co quan này khẳng định sẵn sàng can thiệp thị trường trái phiếu chính phủ nhằm ngăn lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài giảm quá mạnh do lo ngại rằng điều này có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tương tự như vụ sụp đổ của ngân hàng Sillicon Valley ở Mỹ năm ngoái.
“PBOC không thích sự kỳ vọng một chiều và không thích hành vi đám đông trên thị trường trước những rủi ro về ổn định tài chính”, ông Evans nhận định.