September 05, 2023 | 11:19 GMT+7

Giới kinh tế học bi quan về kinh tế toàn cầu năm 2024 vì lãi suất cao

An Huy -

Sự thận trọng của các nhà kinh tế học dựa trên việc họ tin rằng nhu cầu giữ ở mức cao sẽ khiến lạm phát cao dai dẳng, buộc các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển phải duy trì lãi suất cao trong một phần lớn thời gian của năm 2024...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Lãi suất giữ ở mức cao tại các nền kinh tế lớn có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại trong năm tới, sau khi vượt dự báo tính đến thời này của năm 2023 - giới chuyên gia kinh tế nhận định.

Công ty tư vấn kinh tế Concensus Economics đã tiến hành tổng hợp các dự báo kinh tế toàn cầu và rút rằng giới kinh tế học hiện đang dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới năm nay đạt 2,1%. Đây sẽ là một sự giảm tốc so với mức tăng trưởng 2,4% dự báo cho năm 2023.

Từ đầu năm đến nay, giới kinh tế học đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cả năm thêm 1 điểm phần trăm do nhu cầu tiêu dùng và thị trường việc làm đều mạnh hơn dự báo, nhất là ở Mỹ.

Nhà kinh tế học cấp cao Simon MacAdam của công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định sự giảm tốc trong năm 2024 của nền kinh tế thế giới một phần do hiệu ứng cơ sở so sánh: khi nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh trong năm nay dẫn tới cơ sở so sánh cao cho năm tới, mức tăng trưởng của năm tới sẽ chậm lại. Tuy nhiên, trao đổi với tờ báo Financial Times, ông MacAdam nhấn mạnh rằng giới chuyên gia kinh tế “thực sự đã trở nên bi quan hơn về triển vọng kinh tế năm 2024”.

Sự thận trọng của các nhà kinh tế học dựa trên việc họ tin rằng nhu cầu giữ ở mức cao sẽ khiến lạm phát cao dai dẳng, buộc các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển phải duy trì lãi suất cao trong một phần lớn thời gian của năm 2024.

“Nhu cầu dịch vụ vẫn không giảm đáng kể, thị trường lao động vẫn vững, tiền lương tiếp tục tăng. Một vài sự suy yếu được kỳ vọng xảy ra trong năm nay đang bị đẩy lui sang năm 2024”, nhà kinh tế trưởng Nathan Sheets của ngân hàng Citi nhận định.

Tại nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, “suy thoái sẽ xảy ra, chỉ là đến muộn hơn mà thôi”, ông Sheets nhận định.

Cách đây vài tháng, thị trường tài chính đã kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, sức mạnh của nền kinh tế Mỹ đang đặt ra khả năng Fed có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Hiện tại, giới chuyên gia nhận định Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất vào mùa xuân năm 2024.

Khả năng cao kinh tế Mỹ tránh được suy thoái trong năm nay “đồng nghĩa Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn cho tới khi lạm phát được kiểm soát hoàn toàn, dẫn tới tăng trưởng giảm tốc trong năm 2024”, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nhận định.

Cũng theo ông Zandi, nền kinh tế châu Âu năm nay “ít nhiều đã tốt hơn so với dự báo”, ngoài sự ảm đạm của kinh tế Đức, và sự vững vàng đó đặt ra khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, tương tự như Fed.

Đến nay, Fed đã có 11 lần nâng lãi suất trong chiến dịch chống lạm phát này, với tổng mức tăng 5,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 5,25-5,5%. ECB cũng đã tăng lãi suất từ mức âm 0,5% vào tháng 6/2022 lên 3,75% hiện nay và được dự báo phải đến cuối năm 2024 mới có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.

BoE được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm nữa lên mức 5,75% vào cuối năm nay, và cũng chỉ có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa sau của năm 2024.

Ngoài lãi suất cao ở các nền kinh tế phát triển, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng là một lý do khiến giới kinh tế học bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu 2024. Ông Christian Keller, trưởng nghiên cứu kinh tế của Barclays, gọi sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là giảm tốc “mang tính chất cơ cấu”.

“Hướng đi của năm 2024 rõ ràng là giảm tốc toàn cầu”, ông Keller nhấn mạnh.

Tính bình quân, giới chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ chỉ đạt 0,6% trong năm 2024, từ mức 1,9% của năm 2023. Kinh tế Anh và Eurozone sẽ tăng trưởng yếu ớt cả năm nay và năm tới, trong khi Trung Quốc sẽ chật vật với các vấn đề cơ cấu và sự sụt giảm của sản xuất và xuất khẩu.

Trái lại, nhiều nền kinh tế mới nổi, như Brazil và Mexico, đã khiến giới phân tích bất ngờ vì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay. Nhu cầu mạnh của thị trường trong nước được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh tế Ấn Độ đạt được mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate