Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp nhỏ để vực dậy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh chuỗi dữ liệu cho thấy nước này có khả năng không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023. Một câu hỏi đang được nhiều người đặt ra vào lúc này là vì sao Bắc Kinh không tung một gói kích cầu quy mô lớn như trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 hay khi đại dịch Covid-19 nổ ra vào năm 2020?
Theo một bài viết của hãng tin Bloomberg, sự chần chừ này có liên quan nhiều đến nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát sự gia tăng nợ nần trong nền kinh tế, nhất là nợ của các chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng muốn giảm bớt ảnh hưởng quá lớn của lĩnh vực bất động sản trong nền kinh tế; và thận trọng với việc phát tiền trực tiếp cho người tiêu dùng như cách làm của các nền kinh tế phương Tây.
VÌ SAO KINH TẾ TRUNG QUỐC GẶP KHÓ?
“Bất động sản” là từ khoá quan trọng cho những thách thức mà kinh tế Trung Quốc đang đương đầu. Lĩnh vực địa ốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chìm vào khủng hoảng từ năm 2021, không lâu sau khi Bắc Kinh triển khai chính sách nhằm đưa nền kinh tế giảm bớt lệ thuộc vào bất động sản. Lĩnh vực nhà đất cùng với những ngành liên quan như sắt thép, xi măng, nhôm kính… chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc.
Khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt các quy định về cho vay bất động sản và mua bán nhà, doanh số bán nhà và đầu tư vào lĩnh vực này đã sụt giảm mạnh mẽ. Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs ước tính cuộc khủng hoảng bất động sản sẽ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc mất đi 1,5 điểm phần trăm trong năm nay.
Cuộc khủng hoảng này cũng khiến các chính quyền địa phương - lực lượng chiếm phần lớn trong chi tiêu công ở Trung Quốc - có ít ngân sách hơn cho việc chi tiêu, vì các địa phương phụ thuộc nhiều vào thu ngân sách từ thuế nhà đất và cấp quyền sử dụng đất. Bởi vậy, việc các địa phương giảm chi tiêu có thể dẫn tới tăng trưởng GDP Trung Quốc trong nửa đầu năm nay mất đi 1 điểm phần trăm, theo ước tính của ngân hàng Thuỵ Sỹ UBS.
Ngoài ra, xuất khẩu - một đầu tàu khác của kinh tế Trung Quốc - đang giảm với tốc độ hai con số. Tăng trưởng thu nhập của người lao động nước này đang chậm lại, giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp còn cao, nhất là ở lao động trẻ, đồng nghĩa niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống mức thấp.
Tất cả những yếu tố này đã dẫn tới việc nhiều chuyên gia kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay. Trong cuộc khảo sát mới nhất do Bloomberg thực hiện, các nhà kinh tế học dự báo nước này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 5,1%. Trong khi đó, một số ngân hàng Phố Wall không loại trừ khả năng Trung Quốc không đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%.
TRUNG QUỐC ĐÃ CÓ NHỮNG BIỆN PHÁP GÌ ĐỂ PHỤC HỒI TĂNG TRƯỞNG?
Năm nay, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã bắt đầu rút bớt hạn chế về vốn đối với doanh nghiệp bất động sản và giảm lãi suất đối với các khoản vay thế chấp nhà. Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ xuất hiện một “vòng xoáy tử thần” - mà ở đó dòng tiền giảm khiến các chủ đầu tư không thể hoàn thiện dự án, dẫn tới suy giảm niềm tin của người mua nhà, kéo theo doanh số bán nhà và giá nhà giảm sâu hơn - giới chức Trung Quốc gần đây đã có những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Chính phủ Trung Quốc đã cho phép các thành phố lớn - nơi vốn đã áp dụng các chính sách hạn chế nghiêm ngặt nhất - được giảm bớt yêu cầu về tiền đặt cọc mua nhà, đưa ra các biện pháp khuyến khích mua căn nhà thứ hai, và yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất đối với các khoản vay thế chấp nhà.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng dừng chiến dịch siết chặt kiểm soát đối với các công ty Internet và cam kết tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân cũng như cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho khối tư nhân.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có các biện pháp để tăng thu ngân sách cho các địa phương, như tái cấp vốn với lãi suất thấp hơn cho các khoản nợ hiện hữu của địa phương, để các địa phương có thể đầu tư nhiều hơn vào các dự án hạ tầng; đồng thời hỗ trợ thị trường chứng khoán trong nước.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã có một loạt đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay và có những động thái mạnh mẽ để bảo vệ tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
BẮC KINH CÓ THỂ LÀM GÌ HƠN ĐỂ HỖ TRỢ TĂNG TRƯỞNG?
Đến hiện tại, Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đề cập đến việc tăng cường phát hành nợ quốc gia - loại trái phiếu Trung Quốc được giới đầu tư săn lùng nhiều nhất vì được xem là an toàn nhất - để tăng cường chi tiêu, cách mà nước này đã làm trong những lần khủng hoảng trước. Bắc Kinh đã phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt vào năm 2020 - khi Covid trở thành đại dịch - và vào năm 2009 để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Phần lớn các nhà kinh tế học đều tin rằng Trung Quốc có dư địa để hành động tương tự vào thời điểm hiện tại, vì nợ của Chính phủ Trung Quốc còn ở mức thấp nếu xét theo tiêu chuẩn quốc tế. Chưa kể, các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của Bắc Kinh đối với dòng vốn và các ngân hàng trong nước cho phép họ có nhiều dư địa để vay. Số tiền huy động được có thể được dùng cho một số lựa chọn chi tiêu công khác nhau.
LỰA CHỌN “BAZOOKA” THÌ SAO?
Từ “bazooka” - tên của một loạt súng chống tăng - đã được sử dụng phổ biến trên thị trường tài chính Mỹ từ năm 2008 để gọi những gói kích cầu quy mô lớn mà chính phủ rót trực tiếp vào nền kinh tế để vực dậy tăng trưởng. Đối với Trung Quốc, một gói kích cầu như vậy có quy mô lên tới hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Một số nhà kinh tế học đang hy vọng một gói kích cầu ngang ngửa với gói 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 551 tỷ USD, mà Trung Quốc công bố vào năm 2008 - bằng 10% GDP của nước này ở thời điểm đó. Một phép so sánh khác là Trung Quốc sử dụng 3 nghìn tỷ Nhân dân tệ từ ngân hàng trung ương để kích cầu bất động sản sau một đợt sụt giảm vào năm 2014-2015.
Giới kinh tế cũng cho rằng nếu đưa ra một gói kích cầu khổng lồ, Bắc Kinh có thể giải ngân theo những cách mà họ chưa từng thử trước đây: bơm tiền trực tiếp cho hộ gia đình và doanh nghiệp, như cách mà Mỹ và châu Âu đã áp dụng trong đại dịch; hoặc mua bất động sản để kéo giá nhà hồi phục.
VÌ SAO NHÀ CHỨC TRÁCH CÒN CHẦN CHỪ?
Dù nhiều số liệu kinh tế Trung Quốc gần đây gây thất vọng, nền kinh tế nước này vẫn có cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” mà Bắc Kinh đề ra cho năm nay, miễn là cuộc khủng hoảng bất động sản không trở nên nghiêm trọng hơn. Giới chức Trung Quốc cũng hài lòng khi chứng kiến các ngành công nghệ cao như ô tô điện đang phát triển tốt. Bắc Kinh hiện nay đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng chất lượng, thay vì mở rộng ồ ạt nền kinh tế. Họ đã nhấn mạnh sẽ không sử dụng bất động sản như một công cụ kích cầu ngắn hạn, và sẽ hạn chế việc vay nợ của các chính quyền địa phương để tránh tình trạng đầu tư quá mức như trước kia đã dẫn tới những dự án kém hiệu quả và tình trạng dư thừa công suất công nghiệp.
Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của UBS, bà Wang Tao, nhận định các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay xem việc tạo công ăn việc làm là cách tốt nhất để thúc đẩy tiêu dùng, và họ cũng tin rằng cách tốt nhất để thúc đẩy việc làm là hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm thuế. Bởi vậy, UBS duy trì quan điểm Bắc Kinh sẽ kích cầu “có trọng điểm” thay vì ồ ạt.
VÌ SAO CẢ THẾ GIỚI QUAN TÂM TÌNH HÌNH KINH TẾ TRUNG QUỐC?
Trung Quốc là nền kinh tế có quy mô chỉ đứng sau Mỹ, nên một xu hướng giảm của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng tới gần như tất cả các quốc gia khác. Khi tăng trưởng GDP Trung Quốc tăng thêm 1 điểm phần trăm, các quốc gia khác có thể hưởng lợi 0,3 điểm phần trăm - theo một ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Những nước như Australia và Chile, có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu tài nguyên như quặng sắt và đồng, thường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhập khẩu nhiều dầu thô từ Trung Đông và sản phẩm công nghệ từ các nước láng giềng ở Đông Á.
Đối với các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, từ Volkswagen tới Nike và McDonald’s, thị trường này là một nguồn tăng trưởng doanh thu quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới giá trị cổ phiếu doanh nghiệp. Các quốc gia trên thế giới có lượng du khách lớn từ Trung Quốc có thể bị giảm thu.
Đối với Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể dẫn tới giảm lạm phát ở Mỹ, nhưng chưa chắc đã đủ để khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi định hướng chính sách tiền tệ, trừ phi kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”.