Các chính trị gia, quan chức tài chính, lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đang tụ hội tại khu nghỉ dưỡng Davos trên dãy núi Alps ở Thuỵ Sỹ trong chuỗi sự kiện được tổ chức hàng năm của WEF. Đây là lần đầu tiên chuỗi sự kiện này được tổ chức trực tiếp sau hai năm vắng bóng vì Covid-19. Tiền ảo là một nội dung được thoả luận tại chuỗi sự kiện năm nay, trong bối cảnh nhiều tiền ảo từ Bitcoin và Ethereum cho tới Luna và TerraUSD giảm giá mạnh thời gian gần đây, gây ra thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.
Theo trang CNN Business, quan điểm chung của giới tinh hoa tài chính ở Davos là còn nhiều nghi ngờ và thận trọng với tiền ảo, ít nhất cho tới khi loại tiền này trở nên giống với tiền tệ truyền thống hơn.
“Bitcoin có thể được gọi là một coin (đồng tiền xu) nhưng đó không phải là tiền tệ. Bitcoin không phải là một kênh lưu trữ giá trị ổn định”, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva phát biểu.
Bà nói rằng một số tiền ảo hiện nay giống như những mô hình lừa đảo kim tự tháp (pyramid scheme) của kỷ nguyên công nghệ số vì chúng không được bảo đảm bằng tài sản thực. Tuy vậy, bà nói tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) do chính phủ đảm bảo có thể duy trì được sự ổn định.
Phát biểu tại cùng buổi thảo luận, ông Francois Villeroy de Galhau, một Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Pháp, đồng tình với đánh giá của bà Georgieva.
“Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán đáng tin cậy. Một phương tiện thanh toán đáng tin cậy phải được đảm bảo giá trị bởi một ai đó và phải được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu. Nhưng tiền ảo thì không”, ông Villeroy nói và nhấn mạnh thêm rằng “một số người dân đã mất niềm tin vào tiền ảo” vì mức độ biến động giá quá lớn.
Cũng theo ông Villeroy, các chính phủ đang xem xét đưa tiền ảo trở thành một phương tiện thanh toán cần phải bắt tay với các ngân hàng thương mại lớn để làm việc này.
Một số diễn giả khác trong cuộc thảo luận đặt câu hỏi về mục tiêu dài hạn của tiền kỹ thuật số.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput nói rằng nước này đang tiến hành cuộc thử nghiệm trong lĩnh vực tiền số. Ông nói điều quan trọng là “cần phải xác định rõ đâu là vấn đề mà một quốc gia muốn giải quyết” bằng tiền số.
“Chúng tôi không muốn tiền số trở thành một phương tiện thanh toán”, vị Thống đốc Thái Lan phát biểu, nói thêm rằng tiền ảo phù hợp với vai trò một kênh đầu tư hơn là phương tiện thanh toán.
Ông Villeroy đề cập đến việc quốc gia vùng Nam Mỹ El Salvador sử dụng Bitcoin làm tiền tệ chính thức đã cho thấy mức độ rủi ro lớn thế nào khi đưa tiền số làm phương tiện thanh toán. “Tôi cho rằng người dân El Salvador nên được tiếp cận với đồng Euro thì tốt hơn", ông nói vui.
Bà Georgieva chỉ ra một ưu điểm của tiền ảo là có thể được sử dụng như một “lợi ích công cộng toàn cầu” giúp kiều dân gửi kiều hối xuyên biên giới. Chìa khoá ở đây là tính tương thích của tiền ảo, giúp cho việc chuyển tiền số cũng dễ dàng như chuyển tiền giấy như USD hay Euro, mà không cần thông qua hệ thống ngân hàng truyền thống.
Tuy nhiên, các diễn giả tại buổi thảo luận nhấn mạnh rằng cần có thêm thời gian để tiền kỹ thuật số phát triển và trở thành một tài sản, một kênh đầu tư chính thống hơn đối với người tiêu dùng, các định chế tài chính và các chính phủ.
Ở nhiều quốc gia như Mỹ, các nhà chức trách hiện vẫn đang thảo luận về mặt lợi và mặt hại của tiền ảo. “Tiền ảo không hẳn là một giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề”, Chủ tịch Axel Lehmann của ngân hàng Thuỵ Sỹ Credit Suisse nhận định.