May 06, 2024 | 09:43 GMT+7

Giữ sức quân ta tại chiến trường Điện Biên Phủ

Minh Châu

Để giúp bộ đội “ngủ tốt”, bác sĩ Từ Giấy người được giao phụ trách Tiểu ban bảo vệ sức khỏe bộ đội tham gia chiến dịch đã yêu cầu các chiến sĩ khi ngủ phải lấy lá lót trên nền đất, sau đó mới trải chiếu ngủ. Để tránh sốt rét, bác sĩ Từ Giấy cũng yêu cầu các đơn vị phải hun khói chống muỗi từ đó tránh được nguy cơ mắc sốt rét…

Các chiến sĩ Điện Biên trong giai đoạn khốc liệt nhất
Các chiến sĩ Điện Biên trong giai đoạn khốc liệt nhất

Khi nhắc tới cuộc chiến trường kỳ 9 năm của quân đội non trẻ Việt Nam tại chiến trường Điện Biên Phủ, nhiều người hẳn đã được nghe rất nhiều về câu chuyện hào hùng, xúc động như chuyện kéo pháo vào, kéo pháo ra, những đoàn quân chân trần, chí thép vượt suối, băng rừng đưa nhu yếu phẩm, thuốc men, đạn dược từ dưới xuôi lên Điện Biên…

Nhưng còn những một câu chuyện chưa được kể nhiều, chưa được biết tới đó là các cách thức, các giải pháp cực kỳ khoa học để giúp những đoàn quân vệ quốc luôn giữ được sức khỏe trước khi xung trận.

Cần nhớ rằng, tại chiến trường Điện Biên Phủ thời điểm những năm 1946 -1954 nhiều nơi được chiến sĩ mệnh danh là nơi ma thiêng, nước độc. Nơi đó không chỉ có sự khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm, mà còn thừa sự khắc nghiệt của thời tiết và rất nguy cơ bệnh tật như sốt rét, thương hàn, tả, kiết lị… 

Theo lời kể của Tiến sĩ Từ Ngữ - con trai bác sĩ Từ Giấy, bác sĩ Từ Giấy người được giao nhiệm vụ ngăn ngừa, phòng bệnh giúp đảm bảo sức khỏe cho bộ đội ta trong nhiều cuộc kháng chiến như cuộc chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chống Polpot tại chiến trường Tây Nam và cuộc chiến tại biên giới phía Bắc…

Giao thông hào tại chiến trường Điện Biên Phủ 
Giao thông hào tại chiến trường Điện Biên Phủ 

Bác sĩ Từ Giấy đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau như: Trưởng phòng Phòng bệnh Cục Quân y, Trưởng ban Phòng bệnh quân đội tại Mặt trận Điện Biên Phủ; giảng viên, Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh quân đội, Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y), rồi Phó cục trưởng Cục Quân nhu kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu ăn - mặc quân đội (nay là Viện Nghiên cứu ứng dụng quân nhu, Cục Quân nhu)...

Bác sĩ Từ Giấy cũng đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu các vấn đề vệ sinh và dinh dưỡng, đặc biệt là cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Nhiều công trình khoa học do bác sĩ Từ Giấy chủ trì từng nổi tiếng một thời như: Công thức làm lương khô N70, N71, sản phẩm gạo 4 túi thả trên sông tiếp tế cho bộ đội trong chiến tranh, các loại rau rừng và mô hình sản xuất nông nghiệp trong hệ sinh thái khép kín - VAC... đóng góp quan trọng vào việc xây dựng ngành vệ sinh quân đội, nâng cao sức khỏe, sức chiến đấu cho bộ đội, ngành quân nhu và dinh dưỡng Việt Nam.

 

Giáo sư Từ Giấy ngày 10/10/1921, là một nhà khoa học lớn, một nhà giáo và một nhà báo lão thành. Ông là người Việt Nam đầu tiên vinh dự được nhận giải thưởng “Nhà Dinh dưỡng xuất sắc nhất châu Á” (năm 1993), giải thưởng “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng” (năm 2008) và được vinh danh là một trong 20 “Huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới”...

Tại chiến trường Điện Biên Phủ, Trưởng ban Phòng bệnh quân đội tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Với cương vị này, bác sĩ Từ Giấy đã tìm ra nhiều giải pháp, cách thức giữ gìn sức khỏe cho bộ đội mặc dù ông được phân công làm y sĩ phẫu thuật.

Đầu tiên bác sĩ Từ Giấy soạn thảo "10 điều kỉ luật giữ gìn sức khỏe" để báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê duyệt.

Tiếp đó, ông được giao nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cho 4 sư đoàn: 308, 312, 304, 316 hành quân bộ lên Điện Biên. Yêu cầu đặt ra với đơn vị phụ trách sức khỏe bộ đội đó là, trước khi tới chiến trường, bộ đội phải được “Ăn tốt, đi tốt, ngủ tốt”.

Để bộ đội “Đi tốt”, bác sĩ Từ Giấy đã yêu cầu các chiến sĩ phụ trách vệ sinh phải đảm bảo cho các chiến sĩ được ngâm chân bằng nước nóng sau mỗi ngày hành quân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên Phủ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên Phủ

Có thể với nhiều người hiện nay không hình dung ra được, tại sao giữa các tuyến đường hành quân mà bộ đội Việt Minh lại có thể “tận hưởng” được chế độ chăm sóc khá xa xỉ này. Tuy nhiên giải pháp mà bác sĩ Từ Giấy đưa ra lại rất dễ thực hiện, đó là sau các quãng hành quân dài, khi dừng lại nghỉ ngơi, các chiến sĩ vệ sinh được yêu cầu phải đào các hố lớn, sau đó lót ni lon và đun nước nóng đổ vào cho bộ đội ngâm chân.

Sự thành thạo đã đạt tới đỉnh cao, chỉ cần 15 phút là bộ đội đã có thể thoải mái ngâm chân, giúp đôi chân hồi phục không bị phồng rộp hoặc viêm khớp, dẫn tới không thể di chuyển. Nhờ vào việc được hồi phục đôi chân, bộ đội đã có thể “đi tốt” tới chiến trường.

Tiếp đó, để giúp bộ đội “ngủ tốt”, bác sĩ Từ Giấy yêu cầu bộ đội khi ngủ phải lấy lá lót trên nền đất, sau đó mới trải chiếu ngủ. Để tránh sốt rét, bác sĩ Từ Giấy cũng yêu cầu các đơn vị phải hun khói chống muỗi từ đó tránh được nguy cơ mắc sốt rét.

Để giúp bộ đội “ăn tốt”, bác sĩ Từ Giấy yêu cầu các đơn vị hậu cần phải đảm bảo cho bộ đội ăn cơm nóng 1 bữa/ngày (còn lại  ăn cơm nắm - cơm vắt), nước uống cho bộ đội phải được đun sôi.

Nhờ những giải pháp trên, vì vậy quân số của các cánh quan khi tới chiến trường luôn được đảm bảo ở mức 95%. Cần nhớ trong nhiều cuộc chiến thì tỷ lệ hao hụt quân số trong khi hành quân tới chiến trường luôn ở mức rất cao, ví dụ trong chiến tranh Nga - Otto man (Thổ) thế kỉ 18 thì quân số ốm đau, thiệt mạng ở quân Nga là 31%, Thổ là 17%.

Tại chiến trường Điện Biên, bác sĩ Từ Giấy cũng nhận thấy, khi ở hầm thì nhiều chiến sĩ thường đào hầm ếch khá nhỏ nên khi ngủ phải cong lưng tôm. Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, sức chiến đấu của bộ đội nên bác sĩ Từ Giấy quy định, chiến sĩ khi đào hầm ếch phải đảm bảo kích thước đủ để duỗi chân.

 

Suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học, Giáo sư Từ Giấy vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chỗ ngủ trong hầm phải được lát ván, cửa hầm phải được che chắn chống ruồi vàng muỗi, và tại các khu vực đóng quân, đào hải phải có chỗ đi vệ sinh, thoát nước, và có cả khu vực để đào giếng lấy nước ăn. Tất cả các yêu cầu này nhằm phục vụ cho cho cuộc sống của người lính trên trận địa được ổn định, tránh bệnh tật và vui khỏe.

Bác sĩ Từ Giấy cũng kết hợp tuyên truyền trên báo Vui sống để bộ đội Việt Minh thực hiện lối sống sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh nên các loại bệnh tật là ác mộng của bộ đội như kiết lị, đi lỏng, sốt rét, ghẻ lở hắc lào không xảy ra ở môi trường "ma thiêng nước độc".

Trưởng ban Phòng bệnh quân đội tại Mặt trận Điện Biên Phủ còn ra quy định, mỗi chiến sĩ phải luôn mang bên mình khẩu trang dày 8 lớp – may bằng vải, khi bị tấn công hóa học thì sử dụng nước tiểu của mình làm ướt khẩu trang để ngăn ngừa khí độc.

Theo lời kể của Tiến sĩ Từ Ngữ, sau này trong một số vài lần gặp gỡ, trao đổi với Quan tư phụ trách quân y của Pháp, người này đã chia sẻ, tôi biết lính Việt Minh tại chiến trường Điện Biên lạc hậu, không có nếp sống vệ sinh nên tôi mong bên ông sẽ xảy ra dịch bệnh, thế nên tôi mong chờ một đợt dịch bệnh sẽ phát sinh và thế là hòa hai bên cùng rút quân.

Quan tư quân y Pháp khi trao đổi về tổng vệ sinh chiến trường với cụ Từ Giấy cũng rất ngạc nhiên, cảm phục khi thấy giải pháp của bộ đội quân y Việt Nam. Để thanh tẩy chiến trường, đảm bảo không để dịch bệnh phát sinh sau khi cuộc chiến kết thúc, bác sĩ Từ Giấy đã tập họp 1 đại đội đi khai thác đá vôi, nung vôi và chỉ 3 ngày hệ thống giao thông hào, hầm, bãi chôn chất thải được phủ trắng vôi bột. Đây là cách thức làm vệ sinh rất nhanh chóng, tiết kiệm và khoa học mà bác sĩ Từ Giấy và các cộng sự đã thực hiện.

Tiến sĩ Từ Ngữ kết luận, cha tôi – bác sĩ Từ Giấy vốn là nhà báo quân đội lão thành nhưng thực tế ông còn là nhà giáo, nhà khoa học dinh dưỡng hàng đầu, nhà vệ sinh quân sự giàu tài năng. Bí quyết của cụ là học ngoại ngữ. Cụ biết 5 ngoại  ngữ  Nga, Anh, Pháp, Trung và Tây Ban Nha… để tìm hiểu gốc rễ của mọi vấn đề.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate