June 09, 2022 | 09:32 GMT+7

Giữa “bão giá” toàn cầu, top 20 thành phố đắt đỏ nhất thế giới thay đổi thế nào?

An Huy -

Tại Hồng Kông, thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong xếp hạng này, 1 cốc cà phê có giá 5,21 USD; 1 lít xăng có giá 3,04 USD; 1 kg khoai tây có giá 11,51 USD…

Hồng Kông - Ảnh: Bloomberg.
Hồng Kông - Ảnh: Bloomberg.

Hồng Kông năm thứ hai liên tiếp giữ vị trí thành phố có cuộc sống đắt đỏ nhất thế giới đối với người nước ngoài. New York và Geneva xếp ở hai vị trí kế tiếp – theo báo cáo thường niên của công ty tư vấn ECA International.

Giá cả leo thang và đồng tiền mạnh lên là hai nguyên nhân quan trọng giữ Hồng Kông ở vị trí nói trên. Trong top 5 còn có sự góp mặt của London và Tokyo.

Giá thuê nhà tăng chóng mặt là một phần lý do đưa London và New York vào vị trí cao trong danh sách. Mức tăng giá nhà tương ứng ở hai thành phố này vào là 20% và 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Singapore, một trung tâm tài chính khác của châu Á, đứng thứ 13 trong xếp hạng, cho dù giá nhà, giá xăng, giá điện nước ở đảo quốc sư tử tăng mạnh trong vòng một năm trở lại đây. Bù lại sự tăng giá này là đồng Đôla Singapore giảm giá nhiều so với các đồng tiền khác trong khu vực – theo báo cáo của ECA.

Do đồng Yên xuống giá, các thành phố của Nhật Bản đều đi xuống trong xếp hạng. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá Yên so với USD đã giảm hơn 13%, xuống mức thấp nhất 20 năm. Trái lại, đồng Nhân dân tệ tăng giá đưa các thành phố của Trung Quốc, gồm Thượng Hải và Quảng Châu, lên vị trí tương ứng số 8 và 9.

Cuộc khảo sát của ECA phát hiện ở thời điểm tháng 3 – khi nghiên cứu được tiến hành - giá xăng đã tăng bình quân 37% so với cùng kỳ năm trước tại tất cả các thành phố. Riêng ở Beirut, Lebanon, giá xăng tăng 1.128%.

Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ là thành phố rẻ nhất cho người nước ngoài sinh sống, đứng ở vị trí thứ 207, tụt 5 bậc so với năm ngoái.

Cũng theo báo cáo, chiến tranh ở Ukraine là nguyên nhân khiến giá dầu ăn tăng mạnh trong năm qua, với mức tăng bình quân 25% tại tất cả các thành phố được khảo sát. Tehran của Iran là thành phố có giá xăng rẻ nhất thế giới, chỉ 0,09 USD/lít.

Tại Hồng Kông, thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong xếp hạng này, 1 cốc cà phê có giá 5,21 USD; 1 lít xăng có giá 3,04 USD; 1 kg khoai tây có giá 11,51 USD…

“Dù bị ảnh hưởng bởi sự leo thang của lạm phát toàn cầu ít hơn so với các thành phố khác, Hồng Kông vẫn là thành phố đắt đỏ nhất thế giới”, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của ECA, ông Lee Quane, phát biểu. “Chính sự tăng giá của đồng Đôla Hồng Kông, đồng tiền được neo buộc vào đồng USD, trong năm qua là nguyên nhân chủ yếu đưa Hồng Kông giữ vị trí thành phố đắt đỏ nhất thế giới, bởi nhiều đồng tiền khác giảm giá so với USD”.

Để thực hiện xếp hạng này, ECA International đã phân tích giá hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tại hơn 490 địa điểm trên thế giới. Báo cáo đưa ra xếp hạng gồm 207 thành phố tại 120 quốc gia.

ECA International đã thực hiện nghiên cứu về chi phí sinh hoạt tại các thành phố trên thế giới trong 50 năm qua. Mỗi năm, công ty này thực hiện hai lần khảo sát nhằm giúp các doanh nghiệp khách hàng tính toán mức phụ cấp hợp lý khi cử nhân viên đi làm việc ở nước ngoài.

Dưới đây là top 20 thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người nước ngoài theo báo cáo vừa được công bố (trong ngoặc là xếp hạng của năm 2021):

1. Hồng Kông (1)
2. New York, Mỹ (4)
3. Geneva, Thuỵ Sỹ (3)
4. London, Anh (5)
5. Tokyo, Nhật Bản (2)
6. Tel Aviv, Israel (7)
7. Zurich, Thuỵ Sỹ (6)
8. Thượng Hải, Trung Quốc (9)
9. Quảng Châu, Trung Quốc (10)
10. Seoul, Hàn Quốc (8)
11. San Francisco, Mỹ (15)
12. Thẩm Quyến, Trung Quốc (12)
13. Singapore (13)
14. Bắc Kinh, Trung Quốc (16)
15. Jerusalem, Israel (18)
16. Bern, Thuỵ Sỹ (17)
17. Yokohama, Nhật Bản (11)
18. Copenhagen, Đan Mạch (14)
19. Oslo, Na Uy (19)
20. Đài Bắc, Đài Loan (21)

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate