Qua nhiều lần sửa đổi, Luật Thuế giá trị gia tăng, chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn đang là “điểm nóng” của nhiều diễn đàn, hội nghị vừa qua.
Một số doanh nghiệp cho rằng thời gian xử lý hồ sơ hoàn thuế là quá lâu, cán bộ thuế yêu cầu doanh nghiệp giải trình cung cấp nhiều hồ sơ không có trong quy định.
Vì vậy, các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng nếu không được xử lý sẽ trở thành điểm nghẽn trong việc khuyến khích đầu tư, kinh doanh…
VI PHẠM Ở KHÂU NÀO SẼ GIẢI QUYẾT Ở KHÂU ĐÓ
Tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đưa ra ví dụ về trường hợp hoàn thuế của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ; từ đó chỉ ra các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và cơ quan thuế khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cụ thể, doanh nghiệp A sản xuất và xuất khẩu ván sàn, mua nguyên liệu gỗ của doanh nghiệp thương mại B. Doanh nghiệp B giao gỗ, có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp. Doanh nghiệp A thanh toán qua ngân hàng.
Doanh nghiệp A dùng gỗ sản xuất ván sàn, thực tế xuất khẩu ra nước ngoài. Bên mua hàng phía nước ngoài đã thanh toán đầy đủ qua ngân hàng.
Xét về thủ tục hoàn thuế, doanh nghiệp A có đủ điều kiện để được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật vì có thủ tục khai hải quan…
Khoản 2, Điều 5 Luật Quản lý thuế 2019 quy định: “Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế”.
Khi cơ quan liên quan thực hiện thanh tra hoặc điều tra thì phát hiện công ty B kê khai thu mua gỗ nguyên liệu không đúng, như hợp thức hóa gỗ nguyên liệu trôi nổi và kết luận cơ quan thuế “thiếu trách nhiệm”.
“Vậy làm thế nào để xử lý vướng mắc trên. Tôi cho rằng, cần phải cắt khúc từng khâu kinh doanh cụ thể để xác định trách nhiệm của từng khâu. Trên cơ sở đó ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Không thể đổ dồn lên trách nhiệm của cơ quan thuế thì khi đó công chức mới yên tâm hoàn thuế”, bà Cúc kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến của bà Cúc, ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, nhìn nhận hiện nay cơ quan thuế rất sợ trách nhiệm trong hoàn thuế. Tâm lý đè nặng khiến có tình trạng cán bộ xin nghỉ việc, bỏ việc.
Đây là bài toán “đau đầu” của ngành thuế. Từ đó, ông Phụng kiến nghị hai giải pháp, trong đó đề nghị có chỉ đạo xuyên suốt của các bộ, địa phương, giữa cơ quan hành pháp, lập pháp trong việc giải quyết vi phạm thuế, vi phạm ở khâu nào sẽ giải quyết ở khâu đó, không đổ dồn trách nhiệm cho một mình cơ quan thuế, công chức thuế.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế hoàn trước kiểm tra sau.
Khi kiểm tra doanh nghiệp xuất khẩu, tạm dừng ở F0 thì hoàn thuế ngay cho F0 và đối chiếu rà soát đến F1, nếu F1 đã kê khai thuế giá trị gia tăng của hóa đơn bán hàng cho F0 thì hoàn thuế ngay cho F0. Còn việc truy soát ngược từ F1 trở về F2, F3, F4, F5,… đây là các giao dịch trong nước, sai ở F nào thì xử lý ở F đó.
Ngoài ra, cần quy định rõ trách nhiệm của công chức thuế vào Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Quản lý thuế, trong đó công chức thuế chỉ chịu trách nhiệm rà soát hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Đề cập đến quy định pháp luật hiện hành, luật sư Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trích dẫn khoản 2, Điều 5, Luật Quản lý thuế có quy định chung chung, điều này dẫn đến công chức thuế luôn thấy trách nhiệm đè nặng.
“Họ rất lo ngại khi phải đưa ra quyết định chính xác, không gây thất thoát ngân sách. Về nguồn lực, cơ quan thuế không thể làm được, họ chỉ dựa vào hồ sơ xin hoàn thuế của doanh nghiệp.
Do đó, tôi kiến nghị cơ quan lập pháp bổ sung thêm điều khoản cần có để giới hạn trách nhiệm của công chức thuế, chỉ thực hiện theo nhiệm vụ, trách nhiệm quy định.
Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác trong hồ sơ, góp phần giải quyết tắc nghẽn trong hoàn thuế giá trị gia tăng”, luật sư Quỳnh Anh kiến nghị.
SỬA ĐỔI LUẬT ĐỂ ĐẢM BẢO KHUNG PHÁP LÝ CHẶT CHẼ
Ông Mai Xuân Thành, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho rằng tình trạng mua bán hóa đơn diễn ra nóng. Nhờ có hóa đơn điện tử mà cơ quan thuế nhận diện được rõ hơn tình trạng mua bán hóa đơn.
Dẫn chứng vụ án Thủ Đức House, ông Thành cho biết vụ việc này đã tác động mạnh đến hành vi, tâm lý của cán bộ công chức ngành thuế.
Ông Mai Xuân Thành cho biết thêm, quá trình xây dựng Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính đề xuất bổ sung vào Luật quy định công chức thuế chịu trách nhiệm hoàn thuế theo đúng chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, pháp luật về quản lý thuế trong phạm vi hồ sơ, tài liệu cung cấp, văn bản thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp có liên quan đến giải quyết hồ sơ hoàn thuế để đảm bảo chặt chẽ và phạm vi trách nhiệm của công chức thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh cho rằng công chức thuế chỉ nên chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ thuế và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Như vậy sẽ giải quyết được điểm nghẽn về hoàn thuế giá trị gia tăng, góp phần tạo ra môi trường chính sách ổn định, linh hoạt cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các cơ quan thuế lấy các tiêu chí về tuân thủ các luật khác ngoài thuế để đánh giá việc tuân thủ của doanh nghiệp là rất chồng chéo, tạo gánh nặng không đáng có cho doanh nghiệp.
Bản thân các công chức ngành thuế phải phân tích, đối soát rất nhiều con số mà các doanh nghiệp trình lên, làm sao họ đủ khả năng thông thạo các luật chuyên ngành khác để đưa ra quyết định xác đáng...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2024 phát hành ngày 28/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam