Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn số 3540/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2022.
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nâng cao năng lực, sản lượng vận tải liên vận quốc tế.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho hay sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế 3 tháng đầu năm nay tăng trên 30% so với cùng kỳ 2021 và xu hướng thời gian tới tiếp tục tăng cao.
Vận tải hàng bằng đường sắt liên vận quốc tế phát triển sẽ thúc đẩy hàng từ miền Nam, miền Trung, kể cả hàng quá cảnh các nước ASEAN đi bằng đường sắt nội địa, tiếp chuyển tàu liên vận quốc tế.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nhóm giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng và nhóm giải pháp về cơ chế chính sách là các giải pháp then chốt, có tính chất quyết định đến việc nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt để hỗ trợ công tác xuất nhập khẩu của quốc gia.
Đối với nhóm giải pháp đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, Tổng công ty Đường sắt, cho biết Tổng công ty đã khảo sát, lựa chọn ra các khu ga hàng hóa, bãi hàng có vị trí chiến lược để phục vụ cho hoạt động vận chuyển liên vận quốc tế phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa.
Toàn bộ các khu ga đề xuất đầu tư trong phương án là các ga hàng hóa và cần thiết phải xây dựng bãi hàng đủ tiêu chuẩn vận hành container cũng như các nhà kho đủ tiêu chuẩn lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, "hiện nay toàn bộ các tài sản trên đều là tài sản công do Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu, dẫn đến việc đầu tư nâng cấp, cải tạo chỉ thực hiện được bằng nguồn ngân sách nhà nước. Trường hợp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp thì chưa có hướng dẫn, quy định pháp luật", Tổng công ty Đường sắt đặt vấn đề.
Do đó, Tổng công ty Đường sắt không thể triển khai đầu tư và kêu gọi bên ngoài đầu tư vào các hạng mục nhà ga, bãi hàng.
Để giải quyết vấn đề này, Tổng công ty Đường sắt đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và phương án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách nhà nước…
Cùng ngày, Phó Thủ tướng cũng có công văn số 3539/VPCP-CN giao các cơ quan liên quan hướng dẫn việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thu hồi từ các dự án đầu tư.
Theo đó, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt thu hồi từ các dự án đầu tư trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ và quy định pháp luật có liên quan.