September 20, 2022 | 14:41 GMT+7

Gỡ thẻ vàng IUU vẫn chưa biết ngày nào “về đích”

Chu Khôi -

Vào cuối tháng 10/2022, Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ tới Việt Nam kiểm tra tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống IUU, cũng như đầu tư hạ tầng thuỷ sản, tình hình nuôi trồng thuỷ sản. Đây là cơ hội để Việt Nam gỡ thẻ vàng IUU, cũng như khẳng định những cam kết của Việt Nam trong việc phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế...

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị.

Chủ trì cuộc họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngày 20/9/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu phải xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản: khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, đánh bắt sai vùng, sai tuyến...

CÓ TỈNH CHỈ KIỂM SOÁT ĐƯỢC 3% SẢN LƯỢNG ĐÁNH BẮT

Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" từ ngày 23/10/2017. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực gỡ cảnh báo này. Thế nhưng đến nay đã gần 5 năm, vẫn không thể nói được việc gỡ thẻ vàng IUU bao giờ mới “về đích”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết khung pháp lý của Việt Nam về chống IUU hiện tương đối đầy đủ, thể hiện rõ được cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân khiến chưa thể gỡ được thẻ vàng.

Thứ nhất, trong nhật ký đánh bắt, ngư dân ghi chép không chuẩn.

"Tôi đi từng cảng cá, lật từng cuốn số hành trình và nhận thấy, đây không phải nhật ký mà là hồi ký. Lẽ ra từng hoạt động trên thuyền đánh bắt phải được ngư dân ghi chép ngay vào nhật ký. Nhưng, hầu hết sổ đều do vợ con của ngư dân ghi chép lại, nên sẽ có nhiều chi tiết không đúng với thực tế. Lý do sâu xa là nhận thức của bà con ngư dân về chống IUU chưa đồng nhất”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Thứ hai, nhiều tỉnh ven biển xử lý vi phạm về chống IUU chưa quyết liệt. Đang có hiện tượng tàu từ tỉnh nọ chạy sang tỉnh kia khi cập bờ để xuất bán hải sản khai thác được, dẫn đến không thể truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

 

"Theo cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, mới có 44.339/60.419 tàu đăng ký, chiếm khoảng 73%. Một số tỉnh như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Yên, TP.HCM, Trà Vinh, Quảng Ninh, tỷ lệ còn thấp".

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

Thứ ba, tình trạng giải ngân vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho cảng cá còn chậm, khiến nhiều cảng cá loại 1 không thể kiểm soát được sản lượng khai thác. Việc khai thác, đánh bắt cá ở kinh, vĩ độ nào, nhiều địa phương không thể xác định chính xác.

"Không kiểm soát được sản lượng khai thác thì không thể truy xuất được nguồn gốc. Tôi biết, có tỉnh chỉ kiểm soát được 3% tổng sản lượng đánh bắt", Thứ trưởng nói.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho hay một số địa phương chậm chuyển biến trong việc góp phần gỡ thẻ vàng IUU như Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc rà soát, đăng ký, đăng kiểm tàu cá tại các địa phương chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là khối tàu từ 6 đến dưới 15 mét. 

“Công tác triển khai hệ thống giám sát tàu cá để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, xử lý các hành vi khai thác IUU còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Hiện cả nước mới có 20 tỉnh tổ chức trực 24/24 giờ. Tình trạng mất kết nối VMS diễn ra phổ biến. Luật Thủy sản 2017 nêu rõ, việc thành lập kiểm ngư địa phương thuộc thẩm quyền của tỉnh. Nhưng đến tháng 9/2022, mới có 7/28 tỉnh ven biển thành lập nhóm công tác này”, ông Trần Đình Luân nêu thực trạng.

XỬ LÝ NGHIÊM TÀU CÁ “3 KHÔNG”

Ngày 14/9/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” tại Quyết định số 1077/QĐ-TTg.

Đề án đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải được theo dõi, giám sát qua Hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng.

Cùng với đó, 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá được kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam được kiểm tra, giám sát theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAC.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng vừa ký Quyết định 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030.

Chương trình đưa ra yêu cầu 100% các tỉnh, thành phố ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả. Thực hiện giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác và nguyên liệu hải sản nhập khẩu; 100% tàu cá được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Hoàn thiện và cập nhật, khai thác và quản lý hiệu quả Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) trên toàn quốc; xây dựng và triển khai mô hình quản trị sổ hoạt động khai thác thủy sản ở Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2025 giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020.

 

"Chúng ta cần phải nhắc nhau rằng gỡ thẻ vàng IUU trước hết chính là vì đời sống của bà con. Nếu làm được, Việt Nam sẽ có thêm sức hút với đầu tư quốc tế, giúp phát triển kinh tế - xã hộ của đất nước".

Ông Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu kết luận hội nghị ngày 20/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Tổng cục Thủy sản và các địa phương phải tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản tham gia tích cực, phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân trong chuỗi giá trị sản xuất khai thác thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác.

Đồng thời cần xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng địa phương.

“Phải tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”: không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); đánh bắt sai vùng, sai tuyến”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác giám sát, quản lý đối với hoạt động sửa chữa, đóng mới, cải hoán tàu cá, nhất là các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới cải hoán tàu cá liên vùng. Phải tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về cấm khai thác, tạm ngừng khai thác có thời hạn, vùng cấm khai thác, cấm theo nghề tại một số vùng biển, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate