Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới đây đề xuất trích 6.000 tỷ đồng từ Qũy Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động bị mất việc, có nguy cơ mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đề xuất, nếu chính sách được ban hành, dự kiến có khoảng 1 triệu lao động được hỗ trợ tối đa 6 tháng với mức 1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, để nhận được hỗ trợ, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như: đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ, trong đó thể hiện doanh thu bị giảm từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019…
Đánh giá về gói 6.000 tỷ đồng đào tạo lại lao động, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam kỳ vọng lần này chính sách có thể đến được với doanh nghiệp, bởi vì ở các gói hỗ trợ trước đây, do những quy định khá ngặt nghèo nên đã có độ "vênh" giữa mong muốn của doanh nghiệp và chính sách nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận.
Theo bà Xuân, doanh nghiệp luôn mong muốn chính sách phải cụ thể, trúng và đúng thời điểm, thủ tục cũng phải nhanh. Một chính sách "đúng thời điểm, đúng đối tượng và đủ liều lượng" là cần thiết với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Cũng theo bà Xuân, da giày là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động, trong khi dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp trong ngành phải dừng, giãn việc rất nhiều. Doanh nghiệp thuộc hiệp hội bị ảnh hưởng từ 50 - 70% việc làm, và phải chuyển sang làm các hình thức khác để duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động.
Cũng trao đổi với đề xuất này, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhìn nhận, chính sách về mặt chủ trương là rất tốt, có ý nghĩa với những lao động đang gặp khó khăn do dịch bệnh, song bây giờ mới đề xuất là hơi trễ vì dịch bệnh đã kéo dài suốt cả một năm qua.
"Thời điểm này đề xuất có phần hơi chậm, đáng lẽ ra nên đưa ra chính sách này ngay từ năm ngoái để kịp thời hỗ trợ lao động. Khi thực hiện cũng cần tính đến những điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận", ông Huân nói và cho rằng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu cách làm thực tế, lấy ý kiến doanh nghiệp, các hiệp hội để có cách làm phù hợp và đi vào cuộc sống.
Điều này sẽ tránh việc chính sách chỉ "nằm" trên giấy, khi đưa vào triển khai doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn. Rút kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ trước đây, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh khi thực hiện cần liên tục kiểm tra, đánh giá chính sách để điều chỉnh kịp thời nếu có những khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp và người lao động.
Cũng theo ông Huân, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là khoản ngân sách dùng để hỗ trợ lao động không may mất việc hoặc giảm giờ làm. Luật đã quy định, ngoài việc hỗ trợ thất nghiệp, nguồn tiền này còn dùng để đào tạo lại lao động.
Mặc dù vậy, nhiều năm nay nguồn quỹ này mới chỉ tập trung vào việc trợ cấp cho lao động sau khi mất việc, phần đào tạo lại, hỗ trợ học nghề cho người lao động chưa thực sự được chú trọng. Do vậy, về lâu dài cần có những điều chỉnh, giải pháp để sử dụng hiệu quả nguồn quỹ này.
Bên cạnh đó, dù đề xuất gói 6.000 tỷ đồng đào tạo lại lao động lần này của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xuất phát từ thực tế ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến thị trường lao động, nhưng theo ông Huân nếu nhìn rộng hơn thì người lao động hiện nay cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc, việc làm bị thay thế bởi cách mạng 4.0.
Vì vậy, vị chuyên gia đề xuất các Bộ, ngành cần phối hợp, tính toán xây dựng những đề án về đào tạo và đào tạo lại lao động nhằm ứng phó với những thay đổi của thị trường trong tương lai.