March 17, 2021 | 16:32 GMT+7

Gói hỗ trợ 6.000 tỷ đồng: Sử dụng đào tạo lại lao động thế nào để tránh lãng phí?

Thu Hằng

Đề xuất sử dụng khoảng 6.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ đào tạo lại cho 1 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Dự kiến có khoảng 1 triệu lao động được hỗ trợ tối đa 6 tháng với mức 1 triệu đồng/tháng nếu chính sách này được ban hành.
Dự kiến có khoảng 1 triệu lao động được hỗ trợ tối đa 6 tháng với mức 1 triệu đồng/tháng nếu chính sách này được ban hành.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sử dụng khoảng 6.000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ đào tạo lại cho 1 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Dự thảo đề xuất trên đã được Bộ này gửi xin ý kiến 12 bộ, ngành, 4 địa phương gồm: Hà Nội, Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp như: Du lịch, Dệt may, Da dày, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Samsung Việt Nam…

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay Luật Việc làm đã quy định Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động do thay đổi công nghệ. Tuy nhiên, các điều kiện đặt ra như: quy mô lao động bị cắt giảm; điều kiện về việc không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo được xác định thông qua báo cáo sản xuất, kinh doanh của năm trước mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế là chưa rõ ràng và khiến doanh nghiệp khó tiếp cận. Do đó, đến nay chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ theo chính sách trên.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi cơ cấu, quy trình công nghệ, cắt giảm lao động, giảm giờ làm…Do đó, đề xuất kỳ vọng không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn giúp người lao động duy trì việc làm, hạn chế thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ này đề xuất sử dụng 6.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại số lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dự kiến có khoảng 1 triệu lao động được hỗ trợ tối đa 6 tháng với mức 1 triệu đồng/tháng nếu chính sách này được ban hành.

Để được hỗ trợ, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như: đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; phải thay đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ phản ánh việc giảm doanh thu từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng trường hợp người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ trong 3 tháng đầu năm 2021 thì báo cáo quyết toán tài chính năm 2020 phải phản ánh giảm doanh thu từ 20% trở lên so với năm 2019. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có phương án đào tạo nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Cơ quan này đánh giá, chính sách sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động có thể tiếp cận và đáp ứng đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ hơn so với các quy định hiện nay.

SỬ DỤNG HIỆU QUẢ ĐỂ KHÔNG LÃNG PHÍ

Chia sẻ với VnEconomy ngày 17/3 về đề xuất này, chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đánh giá rằng chính sách là rất tốt trong bối cảnh thời gian qua số lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở mức cao.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chính sách sao cho hiệu quả sẽ là vấn đề không hề đơn giản, thậm chí là "tế nhị" nếu không sẽ dẫn đến trục lợi. "Làm thế nào để triển khai tốt thì cần xây dựng các kịch bản đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp rất cụ thể. Đặc biệt, nên rút kinh nghiệm từ các chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm trước đây, không phải cứ người lao động đăng ký cái gì dạy cái đó, càng không phải đào tạo lại một cách ồ ạt.

Vấn đề ở đây là cần có một chiến lược về đào tạo lại, trong đó xác định rõ những nhóm ngành, nghề nào thực sự cần thiết để đào tạo cho phù hợp", bà Hương nêu quan điểm.

Theo bà Hương, cùng với thực thi là có đánh giá hiệu quả của chính sách, tốt nhất nên đưa doanh nghiệp tham gia vào. Bời vì, chính các doanh nghiệp phải xác định được vị trí việc làm, cần lao động như thế nào, yêu cầu kỹ năng ra sao để xây dựng chương trình phù hợp.

"Chúng ta có thể coi như đây là một đợt thí điểm chứ không nên coi là chính sách đào tạo ăn xổi, mang tính chớp nhoáng. Nếu triển khai tốt, việc này sẽ không chỉ dừng lại ở đào tạo cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 mà sẽ là tiền đề cho những chiến lược đào tạo có tính chất lâu dài và bài bản về sau", bà Hương đề xuất.

Nói thêm về một số yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng để tiếp cận được hỗ trợ này như phải sụt giảm doanh thu từ 20% trở lên theo bà Hương là hơi cảm tính và không phù hợp, như vậy có thể gây khó để doanh nghiệp đáp ứng được.

Từng có thời gian tương tác với nhiều doanh nghiệp, bà Hương cho rằng, trên thực tế không chỉ do ảnh hưởng của dịch mới khiến doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động, mà điều này còn xuất phát từ chính nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

"Rõ ràng chúng ta phải rút kinh nghiệm từ các chính sách hỗ trợ, đào tạo trước để sử dụng được hiệu quả nguồn tiền nhưng vẫn phù hợp với điều kiện hiện có của doanh nghiệp và tránh lãng phí. Yêu cầu giả định như vậy theo tôi là là hơi "hẹp hòi" với doanh nghiệp", vị chuyên gia đánh giá.

Cũng góp ý kiến về các hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trước đó khi trao đổi với VnEconomy, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định, thời gian qua việc tiếp cận các gói hỗ trợ của doanh nghiệp đúng là chưa được như kỳ vọng.

Do đó, Phó chủ tịch VCCI cho rằng, các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới cần mang tính khả thi hơn để doanh nghiệp tiếp cận được, từ đó duy trì và phát triển thị trường.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate