March 12, 2021 | 16:15 GMT+7

VCCI: Gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19

Vũ Khuê

Gần 90% doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh với nhiều hệ lụy như giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân bằng về dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn

Ngày 12/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam".

NĂM ĐÁNG QUÊN VÌ ĐẠI DỊCH

Báo cáo nhận được phản hồi của 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc đã phác hoạ lại bức tranh doanh nghiệp năm 2020 với nhiều màu xám do tác động của đại dịch. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ, các doanh nghiệp được khảo sát đều cho rằng, năm 2020 là một năm rất đáng quên. Bởi chỉ một trận đại dịch năm 2020 càn quét đã khiến nhiều ngành nghề - vốn đang phát triển lớn mạnh trong nhiều năm qua (như ngành du lịch), bốc chốc thụt lùi.

Kết quả khảo sát cho thấy, cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ 11% doanh nghiệp cho biết họ "không bị ảnh hưởng gì". Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ.

Điều đáng nói, tác động của đại dịch với doanh nghiệp ở một số ngành là đặc biệt lớn. Cụ thể, Covid tác động tới 97% doanh nghiệp tư nhân trong ngành may mặc, thông tin truyền thông 96%, sản xuất thiết bị điện 94%. Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao như bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%). Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý, mỗi ngành có những phân ngành nhỏ hơn bên trong và do đó mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến các phân ngành cụ thể sẽ có những khác biệt.

Về mặt địa lý, báo cáo cũng chỉ rõ, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, suy giảm nhiều hơn với doanh nghiệp tư nhân ở các khu vực Duyên hải miền Trung (91%) và các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại khu vực Tây Nguyên (94% doanh nghiệp). Những tỉnh, thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực cao nhất là Đà Nẵng (98%), Kon Tum và Khánh Hoà (95%).

Không những thế, Covid-19 tác động đến doanh nghiệp tại Việt Nam trên nhiều phương diện. Đa số doanh nghiệp cho biết, đại dịch đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền và vấn đề nhân công, người lao động của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid- 19.

Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Một số đáng kể các doanh nghiệp cũng không thể ra nước ngoài tiến hành các hoạt động giao thương theo kế hoạch. Nhiều trường hợp bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.

Cũng theo báo cáo, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch covid-19 là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%), và chuỗi cung ứng (33%). Đối với khu vực FDI, dịch bệnh đã gây nên những xáo trộn nhiều nhất trong tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), chuỗi cung ứng (41%) và lao động (34%).

LAO ĐỘNG NGHỈ VIỆC DÀI NGÀY

Nghiên cứu cũng tìm hiểu sâu hơn về các tác động đến lực lượng lao động. Để cầm cự trước dịch bệnh, ông Tuấn cho rằng, 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. 

Trong khu vực FDI, 26% doanh nghiệp quy mô vừa và 32% doanh nghiệp quy mô lớn phải cho một lượng lao động nhất định nghỉ việc. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân cắt giảm nhân sự cao nhất đối với các ngành thông tin truyền thông, sản xuất xe có động cơ và sản xuất chế biến đồ da. Đối với các doanh nghiệp FDI, các lĩnh vực thông tin truyền thông, sản xuất chế biến đồ da và sản xuất, chế biến gỗ có tỷ lệ nhân sự cắt giảm cao nhất.

Nếu phân theo vùng miền, Duyên hải miền Trung là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải cho người lao động nghỉ việc cao nhất (28%). Đây cũng là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân cho người lao động nghỉ việc cao thứ hai (37%), chỉ sau khu vực miền núi phía Bắc (43%). Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc ít nhất, song cũng có tới 29% doanh nghiệp tư nhân và 14% doanh nghiệp FDI buộc phải thực hiện biện pháp này do tình hình kinh doanh suy giảm.

Với những doanh nghiệp được khảo sát có cung cấp thông tin về quy mô lao động và số lượng lao động đã phải cho nghỉ việc, số lao động ước tính chung phải cho nghỉ việc chiếm khoảng 30% số lao động của một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân trung bình phải cho nghỉ việc khoảng 32% lực lượng lao động, còn với các doanh nghiệp FDI, con số này là khoảng 17%. 

Các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ có tỷ lệ lao động phải cho nghỉ việc trong tổng số lao động cao nhất, cả ở doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Cụ thể, những doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ đã phải cho nghỉ việc khoảng 40% lực lượng lao động. Với doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ, con số này là 22%.

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ĐỂ PHỤC HỒI 

Trước thực tiễn này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, bên cạnh các giải trước mắt đã được Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương ban hành như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh, cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất hạn dài hơn.

Chẳng hạn, theo ông Lộc, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Doanh nghiệp cũng cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng hình thành các chuỗi cung ứng Việt. Quan trọng hơn, phần lớn các doanh nghiệp đề nghị cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh. "

"Có thể thấy, nếu như các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận về tài khoá tín dụng có dư địa không nhiều vì những giới hạn ngân sách thì những giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhìn chung dễ thực hiện hơn, vốn đã được thúc đẩy trong những năm gần đây, rất cần phải được gia tốc. Đó chính là nền tảng căn bản nhất cho sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp", ông Lộc nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate