March 03, 2021 | 06:53 GMT+7

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lần 2: Rà soát đối tượng để chính sách khả thi

NHIÊN AN

Các đối tượng bị ảnh hưởng nặng đã thu hẹp lại gồm ngành du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, lưu trú, ăn uống… Ngoài ra có một số doanh nghiệp vận tải, trong đó có vận tải hàng không

Thứ trưởng Trần Quốc Phương - Ảnh: MPI.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương - Ảnh: MPI.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những báo cáo sơ bộ trước khi trình Chính phủ, trong đó khẳng định do tác động của dịch bệnh, doanh nghiệp và người dân tiếp tục gặp phải một số khó khăn, việc tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ là cần thiết.

Thông tin về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lần 2 tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết đây là nhiệm vụ mà Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch Covid 19.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những báo cáo sơ bộ trước khi trình Chính phủ, trong đó khẳng định do tác động của dịch bệnh, doanh nghiệp và người dân tiếp tục gặp phải một số khó khăn, việc tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ là cần thiết.

Trong công tác phòng chống dịch, các giải pháp về giãn cách xã hội, phong tỏa cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giao thương, giao dịch về mặt kinh tế. Đầu năm 2021, tác động này rất khác so với năm 2020, do các nước trên thế giới và ở Việt Nam đồng loạt áp dụng chính sách phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

Năm 2021, các giải pháp về phòng chống Covid-19 cũng đã có sự thay đổi, cập nhật và tiến bộ hơn. Đặc biệt là Việt Nam đã có những điều chỉnh rất phù hợp với tình hình, gắn với mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Đối tượng bị tác động trong xã hội cũng có sự thay đổi so với thời điểm trước đây, thị trường trong nước dần được khôi phục.

Các đối tượng bị ảnh hưởng nặng đã thu hẹp lại gồm ngành du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, lưu trú, ăn uống… Ngoài ra có một số doanh nghiệp vận tải, trong đó có vận tải hàng không. 

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hành công văn gửi các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, trong đó có lưu ý một số nội dung, nhất là đánh giá tác động của dịch bệnh đối với các hoạt động thuộc từng lĩnh vực; đánh giá các giải pháp sao cho đúng, cho trúng; rà soát các đối tượng để chính sách đi đúng chỗ, khả thi; nguồn lực ở đâu và thực hiện như thế nào.

Về mặt tiến độ, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, nghiên cứu, có tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế trước khi báo cáo Chính phủ.

Liên quan đến gói hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tổ chức 4 Hội nghị với các doanh nghiệp trong hai ngày 1 - 2/3/2021 để tổng hợp ý kiến, nghiên cứu tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, chỉ đạo ban hành các chính sách hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc rất tích cực, kịp thời nhưng do nguồn lực của đất nước còn hạn chế; dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường nên một số chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate