May 28, 2022 | 11:39 GMT+7

Gói hỗ trợ tiền thuê nhà mới giải ngân được rất thấp

Nhật Dương -

Hiện các địa phương mới hoàn thành phê duyệt kế hoạch, đến thời điểm này số tiền giải ngân được rất thấp so với yêu cầu là 6.600 tỷ đồng cho 3,4 triệu lao động được hỗ trợ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gần 2 tháng kể từ khi Quyết định 08 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có hiệu lực nhưng đến nay tốc độ giải ngân vẫn rất thấp. Theo quyết định, có hai nhóm đối tượng được hỗ trợ, đó là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp sẽ nhận được 500.000 đồng/người/tháng và người lao động quay trở lại thị trường lao động được nhận 1.000.000 đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng với phương thức chi trả hằng tháng.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ngoài 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên không có đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 08, đến nay hầu hết các địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi của tỉnh để làm cơ sở triển khai.

Hiện mới có 2 tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ cho hơn 2.400 người với số tiền là 1,17 tỷ đồng là Vĩnh Phúc và Cà Mau. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, lý do của việc chưa phê duyệt được nhiều đối tượng hỗ trợ vì các doanh nghiệp, người lao động đang trong thời gian tiến hành thủ tục lập danh sách, niêm yết công khai, xác nhận bảo hiểm xã hội trước khi nộp hồ sơ đề nghị.

Trao đổi về vấn đề này tại Tọa đàm “Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững” chiều 27/5, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh, thủ tục nhận hỗ trợ hết sức đơn giản, chỉ cần người lao động viết đơn, có giấy xác nhận của chủ trọ, gửi cho doanh nghiệp để lập danh sách gửi bảo hiểm xã hội xác nhận, sau đó trình cho UBND cấp huyện thẩm định, rồi tỉnh phê duyệt là chi tiền được ngay cho người lao động.

Thứ trưởng cho biết, qua quá trình đi kiểm tra, về cơ bản các địa phương đã ban hành hết kế hoạch để triển khai, tuy nhiên, vẫn chậm hơn so với mong muốn. “Đáng lẽ từ ngày 1/4 nhưng đến nay, các địa phương vẫn đang phê duyệt, một số địa phương đã chi trả rồi. Dự kiến, khoảng 3,4 triệu lao động với tổng kinh phí là 6,6 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, một số địa phương đã phê duyệt được gần 10.000 lao động”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đang yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để trong tháng 6 người lao động cơ bản nhận được số tiền này. Thời gian thực hiện đến 15/8 sẽ kết thúc và hoàn thành được.

Theo Thứ trưởng, các địa phương mới hoàn thành phê duyệt kế hoạch, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam nhiều hơn. Đến thời điểm hiện nay, mới giải ngân được khoảng 40 tỷ đồng cho hơn 10.000 lao động. Số này đang còn thấp so với yêu cầu là 6.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số nơi muốn dồn ba tháng (4, 5, 6) lại nhận tiền một lần, nên quá trình triển khai còn chậm.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho rằng, để nhận được hỗ trợ nhanh, người lao động phải chủ động hơn, vì người lao động phải chủ động viết đơn, có xác nhận của nhà trọ gửi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có cơ sở lập danh sách.

“Chúng tôi cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, liên đoàn lao động địa phương phát huy vai trò của công đoàn cơ sở đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng lập danh sách gửi thẩm định. Chúng tôi tin tưởng trong tháng 6, mọi việc cơ bản được giải quyết”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói thêm.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, về lâu dài cần quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, Chính phủ đã dành khoảng 40.000 tỷ đồng, giao cho Bộ Xây dựng chủ trì để xây dựng nhà ở cho người lao động.

Bên cạnh đó, giao cho công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp, đồng thời huy động nguồn vốn xã hội, doanh nghiệp, để xây dựng nhà ở cho người lao động, giúp người lao động yên tâm làm việc với doanh nghiệp lâu dài hơn, cũng như giúp ổn định thị trường lao động trong thời gian tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate