Sự bền vững (sustainability) đang ngày càng trở thành trọng tâm chính trong mục tiêu phát triển của nhiều chính phủ, kế hoạch hành động của doanh nghiệp và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Đến năm 2030, thị trường công nghệ xanh và phát triển bền vững toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị 417 tỷ USD.
Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu (EC), quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt hơn 5.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường đã dẫn đến gia tăng số lượng các công ty tự định vị mình là xanh, bền vững hoặc có trách nhiệm. Nhiều thương hiệu tự quảng cáo mình là thân thiện với môi trường, không độc hại, không chứa nhựa, không chất thải, có thể phân hủy sinh học, có thể ủ phân và có thể tái chế.
Bên cạnh những nỗ lực thực sự để chống lại biến đổi khí hậu và giảm tác động đến môi trường, một xu hướng tiêu cực hơn đã xuất hiện được gọi là “Greenwashing - Tẩy xanh” và đang tạo ra trở ngại đáng kể trong việc giải quyết biến đổi khí hậu.
“Bằng cách đánh lừa công chúng tin rằng một công ty hoặc một tổ chức đang hành động để bảo vệ môi trường, “greenwashing” thúc đẩy tạo ra các giải pháp sai lầm cho cuộc khủng hoảng khí hậu, làm sao nhãng và trì hoãn hành động cụ thể, đáng tin cậy”, theo nhận định của UN.
6 HÌNH THỨC PHỔ BIẾN CỦA “GREENWASHING”
Theo báo cáo “The Greenwashing Hydra” của Planet Tracker đã chỉ ra rằng hiện nay có 6 hình thức phổ biến của “greenwashing”, bao gồm:
Greencrowding: Là khi một nhóm các/tổ chức công ty cùng nhau đặt ra các mục tiêu về môi trường. Chiến lược này thu hút các nhà đầu tư và phương tiện truyền thông bởi số lượng lớn các công ty trong khi các công ty này thường trì hoãn hành động để giữ cho những mục tiêu này càng mơ hồ và không có tác động thực tế.
Ví dụ, Liên minh Chấm dứt Ô nhiễm Nhựa (AEPW) bao gồm những công ty lớn gây ô nhiễm như Shell, Dow Chemical và Procter & Gamble. Mặc dù các công ty này tuyên bố có mục tiêu khí hậu cao nhưng họ lại chỉ tập trung vào việc tái chế thay vì giải quyết nguyên nhân gốc rễ của rác thải nhựa là sản xuất nhựa.
Greenlighting: Là một chiến thuật mà các công ty làm nổi bật một sáng kiến nhỏ thân thiện với môi trường để phân tán sự chú ý khỏi các hoạt động hoặc sản phẩm gây hại cho môi trường khác trong công ty.
Ví dụ, khi Total đổi tên thành TotalEnergies vào năm 2021, công ty đã quảng bá việc đổi tên của mình trên Twitter bằng cách sử dụng hashtag ‘#MoreEnergiesLessEmissions’ để nói về cách công ty thích nghi để đáp ứng thách thức về khí hậu. Nhưng thực tế, TotalEnergies có kế hoạch duy trì sản xuất dầu và tăng sản xuất khí đốt trong dài hạn
Greenshifting: Là khi các công ty đổ lỗi cho người tiêu dùng về vấn đề môi trường thay vì tự chịu trách nhiệm.
Chẳng hạn, vào tháng 5 năm 2021, các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard đã công bố một nghiên cứu về cách sử dụng ngôn ngữ của ExxonMobil. Họ phát hiện ra rằng mặc dù ExxonMobil thường sử dụng các cụm từ như “nhiên liệu hóa thạch” để truyền thông và thừa nhận vai trò chính của sản phẩm của họ trong tình trạng nóng lên toàn cầu, nhưng các hoạt động truyền thông công khai của công ty lại tập trung vào “người tiêu dùng”, “nhu cầu” để ngầm chuyển trách nhiệm về vấn đề rác thải của họ sang người tiêu dùng.
Greenlabeling: Là việc tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ thân thiện với môi trường trong khi thực tế không phải vậy hoặc có thể gây hiểu lầm.
Ví dụ, gần đây, có một vụ kiện tập thể chống lại KLM Royal Dutch Airlines vì tuyên bố gây hiểu lầm bằng của hãng về việc khuyến khích khách hàng mua tín chỉ carbon thông qua chương trình CO2ZERO của hãng để bù đắp và giảm tác hại đối với môi trường khi đi máy bay. Vụ kiện cáo buộc rằng không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy việc mua bù trừ tín chỉ carbon sẽ bù đắp được tác động đối với môi trường khi đi máy bay.
Greenrinsing: Là việc các công ty liên tục thay đổi các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trước khi các mục tiêu này có thể đạt được.
Ví dụ, trong 5 năm qua, PepsiCo đã thay đổi mục tiêu tái chế của mình ba lần, trong khi Coca-Cola đã làm như vậy hai lần.
Greenhushing: Là hoạt động của các nhóm quản lý doanh nghiệp báo cáo không đầy đủ hoặc che giấu thông tin về tính bền vững của mình để trốn tránh sự giám sát của các nhà đầu tư.
Gần đây, một số công ty quản lý tài sản lớn, như Amundi và BlackRock, đã tiêu chuẩn một số quỹ họ xuống để đáp ứng với các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định mới của Quy định công bố tài chính bền vững (SFDR) sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2023 tại EU. Mặc dù các công ty cho biết đây chỉ là phản ứng đối với quy định quá nghiêm ngặt, nhưng thực tế là để tránh sự giám sát của tiêu chuẩn mới.
GÂY MẤT LÒNG TIN, CHẬM TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người đang gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Để ngăn chặn những tác động thảm khốc, lượng khí thải phải được cắt giảm gần một nửa vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo đánh giá của UN, “greenwashing” cản trở những nỗ lực thực sự để chống lại biến đổi khí hậu. Xu hướng này còn gây ra những hậu quả tiêu cực đáng kể, không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với phong trào bền vững và tiến bộ môi trường.
Tác động đầu tiên là làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Người tiêu dùng bị lừa tin rằng họ đang ủng hộ một thương hiệu có trách nhiệm với môi trường. Điều này làm xói mòn niềm tin vào doanh nghiệp và thậm chí có thể dẫn đến sự hoài nghi về các tuyên bố bền vững trên toàn ngành đó.
“Greenwashing” có thể gây hại cho môi trường bằng cách trì hoãn các hành động cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu một cách hiệu quả. Các công ty tham gia vào xu hướng này có thể tránh được việc phải thực hiện các thay đổi lớn vì họ dễ dàng làm người tiêu dùng hài lòng với các nỗ lực bề ngoài. Điều này làm chậm các cải cách môi trường thực sự và suy yếu những nỗ lực lớn hơn nhằm chống lại biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, “greenwashing” còn làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thực sự bền vững. Các công ty đầu tư vào các phương pháp thân thiện với môi trường thường phải đối mặt với chi phí cao hơn, vì các phương pháp sản xuất bền vững thường đắt đỏ hơn. Khi các đối thủ cạnh tranh sử dụng “greenwashing” để tỏ ra bền vững mà không chịu các chi phí này, nó tạo ra một sân chơi không bình đẳng, khiến các công ty “xanh” chân chính mất lợi thế cạnh tranh.
Ở cấp độ toàn cầu, Liên Hợp Quốc đang đối phó với hiện tượng “greenwashing” thông qua một số sáng kiến. Tổng thư ký Liên hợp quốc đã thành lập một Nhóm Chuyên gia Cấp cao để phát triển các tiêu chuẩn mạnh hơn cho những cam kết net-zero này, với 10 khuyến nghị nhằm nâng cao mức độ tin cậy từ các công ty, tổ chức tài chính, thành phố và khu vực. Những khuyến nghị này tập trung vào việc đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình đạt được lượng phát thải net-zero.
Ngoài báo cáo, UN Climate Change đã công bố những công cụ nhằm triển khai các khuyến nghị của nhóm chuyên gia, cải thiện tính minh bạch và tăng cường độ tin cậy của các cam kết hành động khí hậu.
Vào Ngày Môi trường Thế giới vừa qua (5/6/2024), Tổng thư ký đã kêu gọi cấm toàn cầu quảng cáo nhiên liệu hóa thạch và kêu gọi ngừng hỗ trợ các công ty nhiên liệu hóa thạch trong việc “greenwashing”. Những nỗ lực này là một phần của chiến lược chống lại các tuyên bố sai lệch và đảm bảo rằng các cam kết khí hậu dẫn đến tiến bộ thực sự và có thể đo lường.