Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam 2022 sáng ngày 18/9, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh rằng một trong những mục tiêu chính đã được Đại hội Đảng 13 vạch ra là: 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp có thu nhập cao. Điều này có nghĩa chúng ta phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
QUỐC GIA MUỐN PHÁT TRIỂN PHẢI KHAI THÁC ĐƯỢC VỐN HÓA TIỀM ẨN TRONG ĐẤT
Kinh nghiệm các nước phát triển hiện nay cho thấy, việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình cực khó, tất cả các nước thực hiện công nghiệp hóa không phải nước nào cũng vượt qua được. Chỉ có vài nước thực hiện được như Singaopore, Hàn Quốc, Đài Loan..., đếm trên đầu ngón tay.
Kinh nghiệm của họ là gì? Việt Nam có thể học gì?
Có nhiều báo cáo đưa ra kinh nghiệm giải pháp nhưng chúng ta vẫn phải có cách riêng. Kinh nghiệm các nền kinh tế này đưa ra chính là lấy trọng điểm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - gắn công nghệ cao, chỉ có cách đó đẩy nền kinh tế lên sao cho vượt bẫy thu nhập trung bình.
Bên cạnh đó, cần phải xem đất đai đóng vai trò gì? Các nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì họ cho rằng đất đai là nguồn lực tạo ra vốn đầu tư mạnh, đây là quá trình vốn hóa đất đai.
"Có một cuốn sách nói về khai thác nguồn vốn tiềm ẩn trong đất, đó chính là giải pháp tăng vốn đầu tư cho các quốc gia đang thực hiện công nghiệp hóa. Đất nước nào vốn hóa được thì quá trình vượt bẫy thu nhập trung bình là chắc chắn, còn không khai thác được vốn tiềm ẩn trong đất thì phát triển rất chật vật", Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Vốn tiềm ẩn trong đất là gì?
Chúng ta biết rằng nếu đất đai khi được đầu tư dự án theo vốn tư nhân hay công tư hay đầu tư công đều làm giá trị đất đai của khu vực đầu tư đó tăng lên rất nhiều lần. Ngay tại Việt Nam, khi ở Hà Nội, một nơi ta có đầu tư thì chắc chắn giá đất sẽ tăng thậm chí hàng ngày hay tăng hàng trăm lần cho khu vực nào đó nếu biết đầu tư. Nhà nước thu được giá trị tăng thêm này thì đó chính là điều quan trọng nhất.
"Các nước vượt bẫy thu nhập trung bình chẳng qua họ làm được việc đó. Hiện nay ta quá phung phí giá trị đất đai tăng thêm, hay nói cách khác là giá trị gia tăng này không "chui" được vào ngân sách nhà nước, mà nằm ở các nhà đầu tư dự án hay đầu cơ đất đai".
Nhà nước phải cương quyết thu được giá trị đất đai tăng thêm do quá trình đầu tư trên đất mang lại", Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
MUỐN KHAI THÁC VỐN HÓA TIỀM ẨN TRONG ĐẤT, PHẢI BỎ TƯ DUY BAO CẤP
Cũng theo GS. Đặng Hùng Võ, những vấn đề cần hoàn chỉnh trong chính sách đất đai thì có rất nhiều nhưng có hai điểm cần bàn đến.
Một là, chúng ta quen với tư duy bao cấp, quen với công cụ hành chính, cái đó tồn tại trong đầu mỗi người mà nhiều khi không hình dung nổi.
Chúng ta hãy loại bỏ tư duy bao cấp khỏi đầu đi, tức là công cụ hành chính thì vẫn được chấp nhận nhưng chỉ được sử dụng trong phạm vi nhất định chứ không phải hơi một tí đưa công cụ hành chính ra mà phải tôn trọng công cụ thị trường, đó là cách phát triển bền vững, có thể thực hiện vốn hóa đất đai hiệu quả. Công cụ hành chính sẽ dẫn tới vướng mắc nhà nước với dân, giữa quản lý nhà nước với thị trường.
Quan trọng nhất vẫn là tư duy trong sửa đổi Luật đất đai lần này, hiệu quả vốn hóa đất đai làm được hay không là ở tư duy, là sử dụng công cụ thị trường vốn hóa hay công cụ hành chính để giải quyết?
Trong sửa Luật Đất đai lần này, Nghị quyết 18 cũng đặt ra nhiều vấn đề. Có vấn đề trọng tâm mà cần giải quyết thấu đáo. Giá đất thị trường, sự thật chúng ta nói nhiều nhưng đến nay vẫn tranh luận.
Theo ông Võ, đừng nhầm lẫn giá trị đất đai trên thị trường với giá giao dịch từng thương vụ. Giá giao dịch từng thương vụ là con số bấp bênh vì lần giao dịch này khác với với lần giao dịch khác nhưng giá trị thị trường là kết quả ước lượng, thống kê. Giá trị thị trường là dựa vào tập hợp các số liệu thống kê các giá trị giao dịch từng trường hợp, nó không phải là một con số chính xác. Giá thị trường cơ quan nào định ra cũng phải có độ chính xác, tin cậy là bao nhiêu?
Chính vì vậy, cần quan niệm lại, quan niệm được thì mới làm rõ được thế nào là giá thị trường? Chúng ta vốn hóa thành công hay không thì chính là có hiểu giá trị đất đai trên thị trường hay không? Chúng ta hiểu đúng thì mọi việc đúng và ngược lại.
Hai là chuyển dịch đất đai. Chúng ta đi vào hai trạng thái cực đoan của vấn đề chuyển dịch đất đai. Một là chuyển dịch đất đai nhà nước đứng ra quyết định, hai là tự nguyện, mọi người thỏa thuận với nhau theo cơ chế thị trường.
Tất cả cái đó tạo thành hai trạng thái cực đoan đều không có lợi. Khi chúng ta cho nhà nước bắt buộc theo quyết định hành chính thì khiếu kiện của người dân nhiều, còn sử dụng cơ chế thị trường thuần túy thì dẫn đến chả bao giờ nhà đầu tư có đủ đất vì thảo luận được 70-80% còn lại 20-30% không hợp tác với nhà đầu tư.
Đó là phức tạp vì Việt Nam có hai trạng thái cực đoan là hành chính và thị trường.
"Thế giới đưa ra giải pháp chuyển dịch đất đai theo hướng đồng thuận xã hội, những người có đất phục vụ dự án đưa ra nhiều cách miễn là cộng đồng người đang sử dụng đất có thể đồng thuận theo đa số cộng đồng. Điều quan trọng là xem ý kiến người không đồng thuận vì sao, thực chất họ sợ bị thiệt hay muốn phá bĩnh? Ta có thể để tâm và xử lý với từng trường hợp", Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.