GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội nhấn mạnh điều này khi chia sẻ tại phiên thảo luận 2 với chủ đề Thúc đẩy cơ chế, chính sách, tăng cường nội lực và phát huy các động lực tăng trưởng mới trong khuôn khổ Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024, sáng 11/1.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, năm 2024, dự báo những “làn gió ngược” sẽ giảm đi, thực tiễn có thể mở ra những thuận lợi hơn, tuy nhiên tất cả các con số dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước, các khu vực trong năm nay đều thấp hơn con số của năm 2023.
Trong khi đó, Việt Nam lại đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% – 6,5%, cao hơn năm 2023. “Điều đó cho thấy chúng ta cần nỗ lực rất lớn mới có thể đi ngược lại xu thế”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhìn nhận.
Từ trao đổi của các chuyên gia đã cho thấy Việt Nam có nhiều cơ hội mới, song theo ông Cường, rõ ràng trong bối cảnh nếu chúng ta chỉ trông chờ vào kinh tế thế giới, hay nguồn lực xuất khẩu thì khó thể vượt lên để đi ngược lại so với xu thế chung.
Vì thế, cần khai thác hiệu quả nội lực, làm thế nào biến điều đó thành động lực thực sự cho tăng trưởng để vươn lên. Đồng thời, cần có hành động cụ thể nhằm “chớp” được các cơ hội rất lớn đang mở ra, đơn cử về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…Những yếu tố này sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản về cấu trúc của nền kinh tế.
Trong các động lực tăng trưởng quan trọng, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng không thể không nhắc đến gần đây chúng ta đang thấy rõ quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tập trung các nỗ lực, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, với quyết tâm tạo ra bước phát triển mới trong năm 2024.
“Trong đó chúng ta không chỉ thu hút các nhà đầu tư vào, mà cần đồng hành với họ. Đặc biệt để làm được việc đó, chúng ta cần cải cách mạnh về thể chế, tạo ra môi trường pháp lý, và tạo cơ hội chứ không phải tháo gỡ”, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho hay.
Mặt khác, cần có sự hành động của Chính phủ trong thực thi chính sách, song ông Cường nhấn mạnh không thể thiếu vai trò này từ chính những doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tiên cần làm là tạo niềm tin, nhìn thấy cơ hội vào thị trường Việt Nam.
“Năm 2024 có lẽ là năm cơ hội hiếm có không lặp lại nếu các nhà đầu tư không tranh thủ để chớp lấy. Nếu không chúng ta có thể đánh mất cơ hội, các những nhà đầu tư sẽ không chuyển đổi được vào các ngành sản xuất, chuỗi cung ứng giá trị cao. Điều này tôi cho rằng rất cần sự hành động từ Chính phủ cho đến các doanh nghiệp và các nhà đầu tư”, GS.TS. Hoàng Văn Cường tái khẳng định.
Một yếu tố quan trọng khác cũng được ông Cường nói cần lưu tâm là thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong nước. Bởi Việt Nam đang có một thị trường tiêu dùng nội địa 100 triệu dân không hề nhỏ. Điều này tạo cơ hội về nguồn lực, đặc biệt cơ hội về hội nhập ngày càng tăng lên.
Tiếp tục nhắc lại cơ hội, ông Cường cho rằng đây chính là tiềm năng để Việt Nam thu hút khách du lịch vào trong nước, dự báo cũng sẽ tăng cao hơn. Từ đó tạo ra tiêu dùng nội địa.
Ngoài các động lực mới, GS.TS. Hoàng Văn Cường cũng lưu ý rằng không thể bỏ qua các động lực tăng trưởng bấy lâu nay, đó là đầu tư công. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là không nên chỉ dừng lại ở đầu tư cốt lõi về hạ tầng giao thông, mà cần chuyển đổi mạnh mẽ sang các lĩnh vực về hạ tầng khác, khoa học công nghệ, chuyển đổi số…
Với tất cả các yếu rố này sẽ góp phần thúc đẩy chúng ta tiếp nhận được các xu hướng mới.