Tại Đối thoại chuyên đề: "Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế", GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, Việt Nam đang có ưu thế trên thị trường vốn.
Chia sẻ thêm về nhận định này, ông Cường cho biết, tại Việt Nam, cách người dân đầu tư vào thị trường vốn rất khác so với các nhà đầu tư trên thế giới. Cụ thể, nhà đầu tư trên thế giới rất ít khi tự mua mà thường có xu hướng đầu tư thông qua các tổ chức chuyên nghiệp, tức thông qua các quỹ tài chính. Đơn giản vì họ thấy rằng mình không đủ chuyên môn, không đủ trình độ để tự đưa ra quyết định.
Ngược lại, nhà đầu tư Việt Nam rất thích tự chủ, thích cảm giác tự bỏ tiền ra theo dõi. Sự biến động của các sản phẩm trên thị trường vốn là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư Việt Nam hơn việc mua qua quỹ trung gian.
"Tâm lý tự đầu tư của người dân Việt Nam làm xuất hiện yếu tố fomo (hiệu ứng tâm lý mà những người mang nó thường sợ bỏ lỡ mất cơ hội). Và chính điều này đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian vừa qua", ông Cường chia sẻ.
Thực tế cũng cho thấy, thị trường vốn tại Việt Nam đang có sự phát triển rất nhanh. Tại năm 2021, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP, gấp 3,5 lần so với năm 2015; trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp là 14,2% GDP.
Ngoài ra, tính chung năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán kỷ lục chưa từng có trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017, 2018, 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
Tuy nhiên theo ông Cường, bên cạnh những thành công, thị trường vốn còn những hạn chế, bất cập về cấu trúc thị trường, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, hệ thống thông tin thị trường... Cá biệt còn một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật khi tham gia thị trường.
“Những sai phạm chỉ là thiểu số. Tôi cho rằng, hành động của Chính phủ thời gian qua là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ pháp luật”, ông Cường nói.
Đồng thời ông Cường kiến nghị, để thị trường vốn phát triển bền vững, an toàn nên chuyển từ lượng sang chất, tức phải giúp nhà đầu tư ngày càng chuyên nghiệp hoặc đầu tư thông qua tổ chức chuyên nghiệp.
"Mặc dù Luật Chứng khoán đã quy định khá rõ về nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng vẫn chưa phù hợp với thực tiễn. Đây cũng là yếu tố mà chúng ta cần lưu ý nhiều hơn đối với nhà đầu tư cá nhân. Còn muốn để thị trường vốn trở thành một kênh vốn quan trọng và lâu dài giống xu hướng thế giới, nhà quản lý phải chuyển được xu hướng tự đầu tư của người dân sang đầu tư qua các tổ chức chuyên nghiệp. Và đây chính là thời điểm thích hợp nhất để tạo ra sự chuyển dịch này", ông Cường nhấn mạnh.