March 11, 2011 | 16:25 GMT+7

Hạ nhiệt “cơn khát” tăng trưởng của kinh tế vĩ mô?

Nguyên Thảo

Không thể mãi chạy theo “chữa cháy” mà phải có các giải pháp căn cơ, bài bản hơn để ổn định kinh tế vĩ mô

Tốc độ tăng trưởng như thế nào là hợp lý, mô hình tăng trưởng sẽ được thay đổi như thế nào?
Tốc độ tăng trưởng như thế nào là hợp lý, mô hình tăng trưởng sẽ được thay đổi như thế nào?
Không thể mãi chạy theo “chữa cháy” mà phải có các giải pháp căn cơ, bài bản hơn để ổn định kinh tế vĩ mô, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn mạnh quan điểm đã được thống nhất cao khi phát biểu kết thúc hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn” tại Cần Thơ, sáng 11/3.

Nhiều ý kiến ngoài tham luận được chuẩn bị sẵn với quan điểm nhiều chiều, không ít diễn giả đăng đàn tới hai, ba lần…, không khí tranh luận thẳng thắn tại diễn đàn này đã làm rõ hơn những nguyên nhân chủ quan “nghịch lý” phát triển của kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, khá nhiều lần chủ tọa phải “nhắc” các vị đại biểu tập trung hơn vào mục tiêu chính của hội thảo. Đó là đánh giá đúng và nhận diện được đầy đủ những vấn đề cốt lõi mà nền kinh tế đang phải đối mặt, từ đó đưa ra được giải pháp đồng bộ, hiệu quả và khả thi để ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.

Tăng trưởng bao nhiêu là phù hợp?

Mở đầu phiên thảo luận sáng 11/3, TS. Vũ Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu kinh tế) đã đưa ra kiến nghị phải hạ nhiệt “cơn khát” tốc độ tăng trưởng, vốn đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều cán bộ từ Trung ương đến cơ sở.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc băn khoăn, ổn định vĩ mô đang được ưu ái, tăng trưởng không được chú trọng. Vậy thì trong trung, dài hạn thì tăng trưởng như thế nào là hợp lý, lộ trình như thế nào?

Ủy viên Ủy ban Kinh tế, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm tỏ ra sốt ruột khi “nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại các chỉ tiêu của Đại hội” (Đại hội Đảng lần thứ XI - PV).

Lần thứ hai đăng đàn, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, không nên bàn thêm tăng trưởng là mục tiêu hay phương tiện. Vì bất cứ nhà nước nào thì kinh tế vĩ mô cũng hướng đến 4 mục tiêu, trong đó có tăng trưởng GDP cao, ổn định và bền vững là mục tiêu thứ nhất.

Vấn đề quan trọng cần bàn, theo ông Lịch là phí tổn tăng trưởng thời gian qua cao hơn nhiều quốc gia nên “không cạnh tranh được với ai cả”. Như vậy phải bàn giải pháp làm sao để “cái bánh” tăng trưởng lớn nhưng phí tổn giảm đi.

Nhìn xuyên suốt về lâu dài thì tăng trưởng GDP phải đạt được 7 -8%/ năm nhưng không nhất thiết là phải đạt được mức này năm ngay trong năm 2011, ông Lịch nêu quan điểm.

Tốc độ tăng trưởng như thế nào là hợp lý, mô hình tăng trưởng sẽ được thay đổi như thế nào cũng là vấn đề được nhiều ý kiến đề cập tại hội thảo.

Nhiều ý kiến cho rằng cần kiểm điểm lại và nhận dạng chính xác những vấn đề mang tính cấu trúc bên trong đang định hình nền kinh tế Việt Nam vào quá trình phát triển/cách thức tăng trưởng không bền vững.

Bởi “chủ nghĩa thành tích ngắn hạn” và mô hình tăng trưởng không phù hợp được duy trì quá lâu, đã tạo ra những điểm yếu cơ cấu và mâu thuẫn nội tại gay gắt trong nền kinh tế.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên thì “nghịch lý” phát triển hiếm thấy của giai đoạn 2006 - 2010 là: cơ hội thuận lợi lớn, mức đầu tư cao, thị trường mở rộng, đà tăng trưởng tốt, nhưng tăng trưởng giảm, lạm phát cao và bất ổn nghiêm trọng.

Đồng thời cả ngắn hạn và dài hạn

Đồng tình cao với các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô đang được Chính phủ triển khai thực hiện, song không ít ý kiến lo ngại bởi  khâu tổ chức thực hiện vốn còn nhiều bất cập.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần phải tiến hành đồng thời cả các biện pháp ngắn hạn và các giải pháp trung, dài hạn một cách căn cơ.

TS. Trần Du Lịch đề nghị cần chỉ đạo nghiên cứu một kế hoạch tổng thể điều hành nền kinh tế dựa hoàn toàn trên quan hệ thị trường; một lộ trình giảm đô-la hoá nền kinh tế và các chính sách để thực hiện kế hoạch tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng cho những năm tiếp theo. Với quan điểm là: Nhà nước sử dụng các chính sách,biện pháp và công cụ để tác động vào thị trường theo định hướng của nhà nước; chính thị trường sẽ tác động vào sự định hướng đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, chứ không phải nhà nước.

Liên quan đến vấn đề cụ thể để ổn định kinh tế vĩ mô, một số ý kiến cho rằng cần có ngay một chương trình trong ngắn hạn để giảm tổng cầu một cách quy mô và đồng bộ thông qua các biện pháp thắt chặt tiền tệ và tài khóa.

Điều chỉnh linh hoạt tỷ giá bằng các bước nhỏ theo điều kiện thị trường thay vì kìm nén quá lâu và điều chỉnh mạnh. Trong ngắn hạn phải việc giảm lãi suất huy động tiền USD và giảm kỳ vọng lạm phát.

Còn trong trung hạn cần tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ từ 3% lên 8-10%, cấm việc huy động vốn và cho vay bằng USD và giảm tình trạng đô la hóa của nền kinh tế.

Liên quan đến kiềm chế lạm phát, có ý kiến đề nghị trong ngắn hạn giảm mức tăng cung tiền xuống 15%, giảm mức tăng trưởng tín dụng xuống 17-18% và giảm mạnh chi tiêu công để giảm tỷ lệ bội chi ngân sách xuống khoảng 4,5% GDP.

Trong trung hạn, giảm dần bội chi ngân sách xuống 2,5% trong năm 2015, bằng cách giảm mạnh đầu tư công để đem tỷ lệ đầu tư toàn xã hội/GDP xuống còn 39% năm 2011 và giảm dần xuống 35% năm 2015.

Đồng thời giảm thâm hụt của cán cân vãng lai xuống còn 9% của GDP năm 2011 và xuống hẳn 5% năm 2015 bằng cách giảm sâu mức nhập siêu trong trung hạn; nhờ đó tăng cường nhanh chóng mức dự trữ ngoại hối vào năm 2015 để ổn định tỷ giá cho suốt 5 năm tới

Trong các giải pháp để tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, TS. Trần Du Lịch đề nghị buộc tất cả các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải công bố thông tin như quy định đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đồng thời thành lập một cơ quan ngang bộ để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu (nhà nước) quản lý toàn bộ vốn kinh doanh của nhà nước; trên cơ sở đó xóa hoàn toàn cơ chế "chủ quản" hiện nay. Cơ quan này chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội, ông Lịch đề nghị.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate