Thông tin về tình hình lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất sâu và tiêu cực đến mọi mặt, đặc biệt tác động trực tiếp đến người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Theo đó, thu nhập của người lao động bị giảm sâu, một số bộ phận bị mất việc, giãn việc, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị ngưng trệ. Tại Hà Nội, thành phố có phần kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, do vậy chưa ảnh hưởng trực tiếp sâu đến các doanh nghiệp, sự ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp, hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn thành phố.
Con số này thể hiện thông qua tỷ lệ người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp qua các trung tâm giao dịch việc làm. Tại Hà Nội, thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong 11 tháng năm 2021, số lượng hồ sơ làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 60.000 người, so với cùng kỳ năm ngoái tỷ lệ này thấp hơn khoảng 20%.
“Số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm so với năm ngoái thể hiện rằng, năm nay tính ổn định của các doanh nghiệp trong khu vực phi chính thức càng được cải thiện, mức độ gắn bó với doanh nghiệp của người lao động cũng cao hơn. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng có thể do các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có những cơ chế chính sách giữ chân người lao động, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Thành đánh giá.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung, Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp năm nay thấp hơn năm ngoái cho thấy tín hiệu tốt. Người lao động được tư vấn việc làm tốt hơn, số người tìm được việc làm mới tăng cao, số người có hợp đồng lao động sang khu vực phi chính thức khá nhiều.
Như vậy, người lao động xác định được trong bối cảnh hiện nay là khó khăn chung của doanh nghiệp, đây là sự cùng chia sẻ của người lao động với doanh nghiệp.
Dự báo về tình hình tuyển dụng trong thời gian tới, ông Vũ Quang Thành cho biết, hiện các hoạt động tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng như toàn quốc đang được tiến hành khá sôi nổi.
Theo ông Thành, trước đây, khi chưa có dịch, đơn vị này phải trao đổi trực tiếp để nắm bắt nguyện vọng của người lao động cũng như nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, việc tư vấn trực tiếp rất hạn chế, buộc phải ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động tư vấn. Có thể qua các trang mạng xã hội, qua Zalo, email, để làm sao người ứng tuyển tiếp cận nhanh nhất với các vị trí việc làm, còn doanh nghiệp cũng tìm được nhân sự cần tuyển dụng.
Riêng tại thị trường Hà Nội, đơn vị này thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm trên phạm vi toàn thành phố thông qua 15 điểm sàn. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hoá để tư vấn việc làm cho người lao động ở các địa phương.
“Với địa bàn Hà Nội, chúng tôi quan sát thấy nhóm lao động sản xuất, công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính ngân hàng, điện tử, tài chính sẽ quay trở lại tuyển dụng đông và dự báo sẽ hot trong thời gian tới”, ông Thành nhận định.
Cũng theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời điểm cuối năm là giai đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất sôi động. Do đó, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn hoặc lương thỏa thuận riêng với ứng viên nếu đáp ứng được yêu cầu.
Khoảng cách mức lương tuyển dụng của các vị trí khá lớn, tiêu chí chủ yếu của nhóm lương thỏa thuận trên là ứng viên có kinh nghiệm đảm trách những vị trí cao, chịu áp lực lớn, nhiều kinh nghiệm và tích hợp nhiều kỹ năng quản lý.
Mức lương khởi điểm của nhân sự ở nhóm này từ 30 - 60 triệu đồng/tháng hoặc có thể cao hơn nữa. Ngoài ra, ứng viên có thể nhận thêm nhiều phúc lợi đi kèm với vị trí công việc.