UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2024; tập trung tháo gỡ vướng mắc theo từng nhóm như: giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thủ tục pháp lý, đặc biệt là với các dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2024 và 2023 kéo dài.
PHÂN BỔ VỐN CHO NHIỀU DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
Tại quyết định này, thành phố phân bổ chi tiết hơn 11.568 tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện bố trí vốn, trong đó, thành phố hỗ trợ đầu tư xây dựng 2 dự án của hai tỉnh Quảng Trị và Tuyên Quang hơn 103 tỷ đồng.
Thành phố cũng điều chỉnh, phân bổ hơn 6.233 tỷ đồng cho các dự án cấp thành phố, gồm: phân bổ hơn 4.190 tỷ đồng cho dự án thành phần 3 và điều hòa kế hoạch vốn năm 2024 đã giao giữa dự án thành phần 1.1 với dự án thành phần 2.1 của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; điều chỉnh, phân bổ hơn 1.919 tỷ đồng cho 60 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố; điều chỉnh, phân bổ 124 tỷ đồng cho 3 dự án theo cơ chế đặc thù từ nguồn thu từ đất.
Thành phố cũng phân bổ trên 5.231 tỷ đồng cho 548 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu, gồm: 1.011 tỷ đồng cho 30 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trên 355 tỷ đồng cho 30 dự án mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Cùng với đó, phân bổ trên 390 tỷ đồng cho 15 dự án trường trung học phổ thông theo phân cấp; hơn 1.341 tỷ đồng cho 139 dự án xây dựng trường học (mầm non, tiểu học) đạt chuẩn; 71 tỷ đồng cho 17 dự án chuyển tiếp nâng cấp tuyến y tế cơ sở; hơn 1.524 tỷ đồng cho 215 dự án tu bổ, tôn tạo di tích; hơn 261 tỷ đồng cho 50 dự án chuyển tiếp lĩnh vực hạ tầng kinh tế để hoàn thành; hơn 275 tỷ đồng cho 52 dự án xây dựng ban chỉ huy quân sự cấp xã.
"Nguồn vốn phân bổ, bổ sung cho các nhiệm vụ nêu trên từ dự nguồn cho các nhiệm vụ từ đầu năm (hơn 8.340 tỷ đồng) và điều chỉnh giảm nguồn vốn bồi thường, tái định cư (hơn 3.227 tỷ đồng)", UBND TP. Hà Nội nêu rõ.
GIẢI NGÂN TĂNG 24,3% CÙNG KỲ
Liên quan đến tình hình vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý, Cục Thống kê TP. Hà Nội cho thấy giải ngân vốn đầu tư công tháng 4/2024 ước tính đạt 3.946 tỷ đồng, tăng 8,7% so với thực hiện tháng trước và tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố 1.520 tỷ đồng, tăng 5,3% và tăng 18,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 2.245 tỷ đồng, tăng 11,1% và tăng 28,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 181 tỷ đồng, tăng 8,3% và tăng 42,9%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được 13,9 nghìn tỷ đồng, đạt 17,8% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố 4 tháng đầu năm giải ngân 5,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,3%, tăng 11,9%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 7,8 nghìn tỷ đồng, đạt 20,2% và tăng 33,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 0,6 nghìn tỷ đồng, đạt 18,5% và tăng 43,4%.
Về tình hình thực hiện một số công trình, dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố, thứ nhất, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 8,9%.
Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng.
Thứ hai, dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) đến nay dự án đã giải ngân 28,9% kế hoạch vốn.
Dự án có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình).
Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.800 tỷ đồng.
Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài chỉ 2km nhưng chi phí giải phóng mặt bằng gần 6.000 tỷ, đây là tuyến đường đắt kỷ lục của TP. Hà Nội.
Thứ ba, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Đến nay dự án đã giải ngân 7,1% kế hoạch vốn.
Dự án cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Tổng vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó trên 5.100 tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2.900 tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị.
Thứ tư, dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình hiện đã giải ngân 6,8% kế hoạch vốn.
Dự án có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5.200 tỷ đồng.