September 13, 2023 | 17:40 GMT+7

Chưa áp cơ chế đặc thù, giá vật liệu cao khiến thi công Vành đai 4 - Vùng Thủ đô gặp khó

Anh Tú -

Hiện các nhà thầu thi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang sử dụng 12 mỏ đất đắp, cát đắp ở xa, không mỏ nào thuộc địa bàn Hà Nội, với giá cao. Cùng với đó, chưa mỏ nào được áp dụng cơ chế đặc thù cho phép chỉ định khai thác để rút ngắn thời gian, thủ tục cấp phép...

Nguồn cung đất, cát đắp phục vụ thi công đường Vành đai 4 tại Hà Nội đang gặp khó khăn.
Nguồn cung đất, cát đắp phục vụ thi công đường Vành đai 4 tại Hà Nội đang gặp khó khăn.

Thông tin tại buổi giao ban Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô do Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì, ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội, cho biết khó khăn chủ yếu ảnh hưởng đến tình hình thi công dự án là nguồn vật liệu đất, cát. Đây là tình trạng chung đang diễn ra trên cả nước vì vướng mắc về cơ chế.

GẶP KHÓ VỀ NGUỒN CUNG ĐẤT, CÁT

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội, các nhà thầu mới chỉ sử dụng vật liệu từ nguồn thương mại bao gồm 12 mỏ đất đắp và cát đắp, trong đó, không có mỏ nào thuộc địa bàn Hà Nội.

 

Đặc biệt, "đến nay, chưa có mỏ vật liệu nào được thực hiện theo cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Trong khi đó, nguồn vật liệu thương mại do vận chuyển xa không phải trên địa bàn Hà Nội nên giá quá cao so với đơn giá nhà nước", Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội nêu rõ.

Về nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường dự kiến phục vụ Dự án Vành đai 4 trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố là TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh dự kiến gồm: đất đắp K98, K95, đắp bao: 9,656 triệu m3; cát đắp K95, cát xử lý nền đất yếu: 7,5 triệu m3.

Trong đó, nhu cầu vật liệu phục vụ dự án thành phần 2.1 và dự án thành phần 3 trên địa phận Hà Nội gồm: đất đắp K98, đắp bao: 1,872 triệu m3; cát đắp nền K95, cát xử lý đất yếu: 5,532 triệu m3.

Đến nay, đơn vị tư vấn khảo sát tổng số 17 mỏ đất với tổng trữ lượng 57,24 triệu m3, bao gồm 3 mỏ tại Hà Nội, 6 mỏ tại Hòa Bình, 4 mỏ tại Vĩnh Phúc, 4 mỏ tại Thái Nguyên. 

Trong đó, trên địa bàn Hà Nội hiện nay chưa có mỏ đất có giấy phép cấp cho các dự án xây dựng. Qua khảo sát chỉ có 3 mỏ đất chưa quy hoạch với tổng trữ lượng khoảng 7,127 triệu m3 nhưng lại nằm trong quy hoạch rừng sản xuất hoặc có đề án đóng cửa mỏ, đang đề nghị tiếp tục khai thác.

Bên cạnh đó, 32 mỏ cát cũng được khảo sát với tổng trữ lượng 75,55 triệu m3, trong đó có 24 mỏ tại Hà Nội.

Trong số các mỏ này, 7 mỏ có giấy phép còn hiệu lực, trong đó có 3 mỏ không khai thác, không hoạt động; 4 mỏ đang hoạt động khai thác.

Ngoài ra, có 6 mỏ cát đang thực hiện đấu giá trong năm 2023 với tổng trữ lượng 16,373 triệu m3 và nếu thực hiện theo đúng quy trình thì phải mất hàng năm mới có thể đưa vào khai thác nên cũng cần tính toán để áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định khai thác.

Như vậy, nguồn cung đất, cát đắp phục vụ thi công đường Vành đai 4 tại Hà Nội đang gặp khó khăn.

Báo cáo từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội cũng cho thấy tính đến ngày 8/9, toàn thành phố phê duyệt và thu hồi đất được 706,22/793,80ha, đạt 87,93%. Tổng số mộ di chuyển là 6.332/10.059 ngôi (đạt 62,95%).

Đến nay, Ban tiếp nhận 638,35ha đất thu hồi, phần còn lại sẽ thực hiện bàn giao trong tháng 9/2023. Đồng thời, 7 khu tái định cư được khởi công và thực hiện tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín. 

SỚM ÁP DỤNG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo, các sở, ban, ngành, quận, huyện, đơn vị liên quan tập trung cao độ hoàn thành các thủ tục cần thiết để lập danh mục các mỏ vật liệu đất, cát đắp trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, đơn giản hóa, rút ngắn tối đa các thủ tục, áp dụng cơ chế đặc thù cho phép chỉ định khai thác theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Đây là việc làm cấp thiết để bảo đảm vừa tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, hạ giá thành, vừa đáp ứng ổn định, lâu dài nhu cầu vật liệu thi công. Vì thế, cần tập trung hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ này ngay trong tháng 9/2023.

Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo, đối với các mỏ đất, cát cần điều chỉnh quy hoạch khoáng sản để đưa khai thác. UBND thành phố phải triển khai thực hiện ngay để kịp trình Thường trực HĐND thành phố hoặc Kỳ họp HĐND thành phố trong tháng 9 này, qua đó bảo đảm đầy đủ tính pháp lý. Bí thư Thành ủy lưu ý phải tính toán trữ lượng vật liệu đủ cung cấp cho toàn tuyến, bảo đảm giá thành hợp lý.

Ngoài ra, đề nghị Công an thành phố Hà Nội vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc thực hiện pháp luật về khai thác khoáng sản tại các mỏ cát, mỏ đất trên địa bàn thành phố, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản, ưu tiên phục vụ cho các công trình trọng điểm quốc gia.

Các đơn vị cũng cần tập trung cao độ cho công tác đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư; sẵn sàng phương án hỗ trợ tạm cư. Ban Quản lý Dự án phối hợp với các quận, huyện, các nhà thầu thi công, lực lượng chức năng nhanh chóng bàn giao, quản lý chặt chẽ phần diện tích giải phóng mặt bằng. Các nhà thầu thi công bố trí máy móc, phương tiện, con người sẵn sàng tổ chức thi công khẩn trương ngay khi được tháo gỡ về thủ tục và nguồn cung vật liệu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate