August 31, 2023 | 18:26 GMT+7

Hà Nội: Góp ý biện pháp cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ 

Tuấn Dũng -

Cần làm rõ kết quả 10 năm thực hiện việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và công trình xây dựng trước năm 1954. Trong đó, phân tích rõ nguyên nhân tại sao việc cải tạo, phục hồi các công trình chậm tiến độ…

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Ngày 31/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố “Về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 10 Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND, ngày 23/7/2013, về một số biện pháp cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng, trước năm 1954, trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

KHÓ KHĂN TRONG VIỆC CẢI TẠO, PHỤC HỒI NHÀ CỔ, BIỆT THỰ CŨ

Theo Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội, sửa đổi Khoản 2 Điều 10 của Nghị quyết số 17 nêu rõ: "Trên cơ sở phân nhóm tại Khoản 1 Điều này, UBND Thành phố quyết định các trường hợp là nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm cần cải tạo, phục hồi, phá dỡ, xây dựng lại, sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND Thành phố".

Thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.216 công trình nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, với đa dạng hình thức sở hữu; khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND, ngày 4/4/2023 về khảo sát, đánh giá, kiểm định chất lượng 1.216 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác; Kế hoạch số 114/KH-UBND, ngày 4/4/2023 về thiết lập hồ sơ quản lý, cơ sở dữ liệu, số hóa 3D đối với 222 biệt thực thuộc nhóm 1 và phần mềm quản lý 1.216 nhà biệt thự. 

Việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc còn gặp khó khăn do hình thức sở hữu đa dạng nên đòi hỏi phải xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách giải quyết hài hòa, thỏa đáng nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của các chủ thể có liên quan.

Một số công trình nhà biệt thự đã bị biến dạng về hình thức kiến trúc, kết cấu do tình trạng tự ý cải tạo, xây dựng… Bên cạnh đó, một số chính quyền cấp quận, phường chưa kịp thời xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng, thiếu hồ sơ xử lý…

Thêm vào đó, một số quy định của Thành phố đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hoặc qua quá trình triển khai, bộ lộ một số hạn chế, bất cập. Điển hình như việc quy định UBND TP lập danh mục nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác đã hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm để trình HĐND TP phê duyệt danh mục khó thực hiện trên thực tế vì các đơn vị chưa xây dựng xong danh mục nhà cổ và công trình kiến trúc khác; Chưa bố trí kịp thời kinh phí để thực hiện việc kiểm định, đánh giá chất lượng và kinh phí bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang công trình…

PHẢI BẢO ĐẢM “TUỔI THỌ” CỦA NGHỊ QUYẾT DÀI HƠN VÀ SÁT THỰC TIỄN

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết, các đại biểu đều cho rằng việc sửa đổi, bổ sung là rất cần thiết. Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội cùng với sở, ngành, địa phương liên quan cần làm rõ kết quả 10 năm thực hiện việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và công trình xây dựng trước năm 1954, trong đó, phân tích rõ nguyên nhân việc cải tạo, phục hồi các công trình chậm tiến độ. 

Đại biểu phát biểu phản biện tại hội nghị
Đại biểu phát biểu phản biện tại hội nghị

Để triển khai cải tạo, phục hồi thành công thì phải tạo được sự đồng thuận của người dân, tháo gỡ các khó khăn có tính chất mấu chốt như: thiếu kinh phí, thời gian và nhân lực.

Hoàn toàn ủng hộ sự cần thiết phải sửa đổi Khoản 2, Điều 10 Nghị định 17, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Thảo, cho rằng vẫn chưa đủ và cần bổ sung thêm cơ chế quản lý sử dụng sau khi sửa chữa, cải tạo.

Ông Thảo đề nghị đưa ra được dự toán đầu tư ngân sách cho các công trình cần sửa chữa ngay là bao nhiêu và cần gắn trách nhiệm của từng thành phần, như phân loại từng dạng công trình và người dân bao nhiêu phần trăm, nhà nước hỗ trợ bao nhiêu; cần có cơ chế rõ ràng.

Còn ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh Thủ đô Hà Nội có nhiều công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử cần thiết phải cải tạo và bảo tồn. Việc sửa đổi nội dung tại Nghị quyết cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mong muốn của nhân dân và phù hợp với pháp luật.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết việc triển khai đề án, nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND thành phố về cải tạo, phục hồi các nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình xây dựng có giá trị, trước năm 1954 trên địa bàn đang triển khai có bước tiến lớn.

Thành phố đã ban hành đề án và 6 kế hoạch triển khai đề án, các quận có chung cư cũ đang triển khai đồng loạt công tác kiểm đếm, quy hoạch để tiến tới thiết lập chủ trương đầu tư dự án. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, thành phố sẽ xem xét điều chỉnh nội dung tờ trình ngắn gọn, súc tích, đánh giá được các nội dung triển khai.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho rằng bên cạnh mong muốn sửa đổi tổng thể hoặc lui thời gian chờ Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành thì những nội dung có thể thực hiện trước nên tháo gỡ ngay. 

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sắp xếp lại các văn bản trình tại kỳ họp đảm bảo tính khoa học, đúng với các quy định hiện hành; đồng thời, rà soát lại các luật sắp ban hành để cập nhật, đảm bảo “tuổi thọ” của nghị quyết dài hơn và sát thực tiễn.

Việc triển khai sửa chữa, cải tạo các công trình phải đảm bảo công khai, minh bạch và làm rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cùng tham gia tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate