Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 10/5 về việc triển khai giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố.
Theo kế hoạch, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội yêu cầu Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Triển khai chi trả đúng người, đúng chế độ công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách này gây mất niềm tin trong nhân dân, đảm bảo việc chi trả đúng quy định của pháp luật.
Công an Thành phố được giao phối hợp, rà soát, xác minh, làm sạch thông tin đối tượng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, nhằm kịp thời điều chỉnh thông tin công dân, đảm bảo dữ liệu dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống"; tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đồng thời, rà soát, lập danh sách các trường hợp công dân thường trú trên địa bàn được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, nhưng hiện nay đã đi khỏi nơi đăng ký thường trú.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội chỉ đạo các Ngân hàng trực thuộc mở tài khoản cho người dân thuộc diện được hưởng chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Đặc biệt, tập trung tăng cường và bố trí cán bộ đơn vị phối hợp với Công an thành phố, Bảo hiểm xã hội… cả trong và ngoài giờ hành chính (kể cả ngày thứ Bảy, Chủ Nhật) để tập trung làm thủ tục đăng ký tài khoản cho người dân; đảm bảo hoàn thành xong trước ngày 30/5/2024.
Các địa phương trên địa bàn chỉ đạo Tổ triển khai thực hiện Đề án 06 cấp thôn, tổ công nghệ số cộng đồng (Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh...) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không dùng tiền mặt.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, thành phố đã chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cho hơn 593.500 người, với số tiền trên 14.000 tỷ đồng.
Báo cáo về việc thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội cho biết nếu như trước ngày 7/1/2024, trong tổng số hơn 290.600 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, thì chỉ có trên 73.700 người có tài khoản ngân hàng, chiếm tỷ lệ 25,37%.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4/2024, con số trên đã tăng lên tới hơn 93% với hơn 272.000 đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã có tài khoản ngân hàng. Trong đó, có 210.457 người nhận trợ cấp qua tài khoản, chiếm tỷ lệ 72,22% trên tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Cùng với đó, việc làm sạch dữ liệu đối tượng người có công, bảo trợ xã hội để cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tỷ lệ làm sạch dữ liệu đối với đối tượng người có công đạt 99,19%. Tỷ lệ làm sạch dữ liệu đối với đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác đạt 99,03%.
Về kết quả thực hiện triển khai xây dựng mức chi phí chi trả cho tổ chức dịch vụ chi trả, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính, và các đơn vị liên quan thực hiện xây dựng phương án tổng thể về chi trả chế độ bảo trợ xã hội của thành phố.
Trong đó, xác định rõ các hình thức chi trả, dự kiến số lượng đối tượng chi trả, quy trình tổ chức triển khai thực hiện, số tiền chi trả, đề xuất mức phí chi trả cho tổ chức dịch vụ chi trả, cho công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Nguyên tắc chi trả sẽ từ ngân sách thành phố hỗ trợ tối đa các khoản chi phí phát sinh khi thực hiện chi trả trợ cấp. Người thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội không phải trả phí.