Chia sẻ tại toạ đàm "Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân" vừa qua, ông Nguyễn Thế Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước), cho biết về chi trả cho cá nhân vào tài khoản, hiện nay Kho bạc Nhà nước đã thực hiện việc nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến với quy trình kiểm soát thanh toán cho các cá nhân hưởng lương từ ngân sách nhà nước và qua cổng trao đổi dữ liệu của Kho bạc Nhà nước.
Ngày 9/1/2024, Kho bạc Nhà nước thực hiện triển khai thí điểm chi trả lương cho các cá nhân qua tài khoản thông qua hệ thống dữ liệu với Kho bạc Nhà nước tại hai địa phương là Vĩnh Phúc và Hải Phòng. Sau 3 tháng triển khai, cơ bản việc triển khai quy trình này được đánh giá rất tích cực.
Sắp tới, Kho bạc Nhà nước thực hiện quy trình chi trả an sinh xã hội tương tự như theo quy trình chi trả lương. Theo đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với cơ quan công an để trao đổi xác thực thông tin chính xác về các đối tượng thụ hưởng để lập bảng thanh toán, sau đó cơ quan lao động thương binh và xã hội sẽ lập hồ sơ đề nghị thanh toán với Kho bạc Nhà nước.
Theo lãnh đạo Vụ Kiểm soát chi, sau khi thực hiện công tác kiểm soát xong, kho bạc sẽ đưa dữ liệu bảng thanh toán lên cổng trao đổi dữ liệu.
Quy trình này khác và tiến bộ hơn so với trước đây khi các đơn vị chuyển lên dịch vụ công trực tuyến thì Kho bạc Nhà nước sẽ phải in, phục hồi bảng thanh toán và mang bảng thanh toán ra ngân hàng thương mại để thanh toán. Với quy trình mới, công việc sẽ được số hoá và đảm bảo dữ liệu an toàn, chính xác.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Anh, hiện nay việc chi trả an sinh xã hội qua Kho bạc Nhà nước đang được thực hiện tương đối tốt, kịp thời và đúng đối tượng.
"Mặc dù, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung tương đối cao hơn so với mấy năm trước đây, tuy nhiên, để đẩy nhanh được công tác số hóa chi trả an sinh xã hội nói chung cũng như thanh toán qua tài khoản đối với các đối tượng an sinh xã hội nói riêng, điều kiện tiên quyết là người thụ hưởng phải có tài khoản thanh toán".
Bởi khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến đối tượng không đủ điều kiện để mở tài khoản cũng như điều kiện kinh tế không đủ điều kiện để trang bị được thiết bị thông minh để sử dụng ứng dụng VNeID.
Do đó, tất cả các cơ quan liên quan phải có sự phối hợp chặt chẽ, làm sao thông tin tuyên truyền đến tất cả người dân nói chung cũng như đối tượng an sinh xã hội nói riêng về những lợi ích mà việc số hóa công tác chi trả an sinh xã hội mang lại.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Vụ Kiểm soát chi, việc liên thông được dữ liệu giữa các cơ quan khác nhau phải đảm bảo “sạch”, “sống”, đúng đối tượng, đúng mục đích là yếu tố then chốt. Chính vì vậy, việc sớm triển khai xây dựng hệ sinh thái thanh toán qua ứng dụng VNeID là hết sức cần thiết trong tương lai.
Thời gian tới, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng giải pháp để giải quyết những bài toán nghiệp vụ, để việc thanh toán từ ngân sách nhà nước đến từng người thụ hưởng một cách nhanh nhất và trực tiếp nhất.
Hiện tại về cơ bản, việc thanh toán vẫn qua khâu trung gian, chưa phải trực tiếp từ ngân sách nhà nước. "Trên cơ sở các chính sách, định hướng sắp tới, có thể triển khai trực tiếp từ ngân sách nhà nước đến người thụ hưởng. Kho bạc Nhà nước sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng quy trình, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ”, ông Thế Anh khẳng định.
Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Kho bạc Nhà nước đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát là xây dựng Kho bạc Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Đồng thời, kiện toàn bộ máy gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, kết nối viễn thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác và cơ sở dữ liệu quốc gia, từ đó, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước, hướng đến năm 2030 thực hiện được mục tiêu kho bạc số.
Gắn với mục tiêu tổng quát, chiến lược đặt ra 5 mục tiêu cụ thể, trong đó, mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành trên dữ liệu số, hoàn thành nền tảng kho bạc số và cơ bản toàn bộ giao dịch thu chi ngân sách nhà nước qua hệ thống theo phương thức điện tử.
"Sau năm 2025, Kho bạc Nhà nước sẽ tập trung nghiên cứu phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để đến năm 2030 xây dựng được kho bạc số", đại diện Kho bạc Nhà nước nhấn mạnh.
Theo trên, Kho bạc Nhà nước sẽ triển khai đồng bộ, tích cực rất nhiều giải pháp, đặc biệt liên quan đến công tác số hoá, điện tử hoá các giao dịch thu chi ngân sách nhà nước.
Đối tượng chi trả an sinh xã hội thuộc ngành lao động thương binh và xã hội quản lý là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1813- QĐ/TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp với C06 để triển khai tại các địa phương, bao gồm: rà soát, làm sạch thông tin cá nhân; tích cực tuyên truyền để các đối tượng chi trả an sinh xã hội để chủ động mở tài khoản thanh toán; hỗ trợ các cụ người cao tuổi, già yếu lập tài khoản thanh toán...
Phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản đạt tối thiểu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý.
(Bà Vũ Thị Thanh Hà, Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)