Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho biết, sau giai đoạn Covid-19, nhiều nhãn hàng gặp vấn đề khó khăn về nguồn vốn. Chính vì vậy, hiện nay họ không mở cửa hàng một cách đại trà mà trở nên khắt khe hơn khi tìm kiếm, và thường tập trung vào mặt bằng có vị trí đắc địa, để mỗi cửa hàng đều có khả năng tự tạo ra lợi nhuận độc lập...
Theo bà Minh, thay vì chỉ tính toán đến câu chuyện vị trí trung tâm đặt cửa hàng, các nhãn hàng còn phải tính liệu địa điểm có khu vực đỗ xe không, có bị ảnh hưởng bởi việc cấm đường giờ cao điểm không, hay có vị trí cho shipper đỗ xe lấy đồ không…
Thị trường do vậy mà gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là khả năng hấp thụ của một số phân khúc, như mặt phố, hay khối đế chung cư vẫn ghi nhận tỷ lệ trống, dù nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ tăng cao trong các nhóm khách thuê: thời trang, đồ thể thao, siêu thị, nhà hàng, ăn uống, hay mỹ phẩm.
Từ thực tế đó, bà Minh cho rằng có 3 vấn đề cần sớm khắc phục.
Thứ nhất, việc kiểm soát các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy hiện rất chặt chẽ, đặc biệt với khối khách bán lẻ. Do đó, nếu mặt bằng không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ gây khó khăn cho khách thuê, trong việc xin phê duyệt để cấp phép hoạt động, nên cần xem xét kỹ lưỡng nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng.
Thứ hai, ở khối đế trung tâm thương mại, việc cho thuê lẻ riêng từng khách sẽ khó thu hút được nhãn hàng lớn. Cho nên các trung tâm thương mại cần xây dựng danh mục khách thuê chuyên nghiệp, cùng chiến lược quảng cáo, marketing trong suốt quá trình vận hành hoạt động nhằm thu hút được khách hàng; từ đó tạo được thành công cho khách thuê kinh doanh trong dự án.
Thứ ba, về yếu tố pháp lý, các mặt bằng bán lẻ cần đạt được phê duyệt về công năng bán lẻ, hoặc thương mại dịch vụ, thay vì các công năng chuyển đổi từ các công năng khác sang, dẫn đến việc khách thuê không xin được giấy đăng ký kinh doanh, hay phê duyệt phòng cháy chữa cháy cho mặt bằng sử dụng.
Liên quan đến sự cố cháy nổ, thời gian các sự việc diễn biến rất phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là các vụ cháy tại khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… và đặc biệt là cơ sở kinh doanh karaoke.
Theo thống kê vào tháng 2/2023, toàn quốc xảy ra 19 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh; 10 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh; 7 vụ cháy chợ; 3 vụ cháy chung cư; 2 vụ cháy trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa; 25 vụ cháy các loại hình cơ sở khác...
Trước tình hình nhiều tai nạn thương tâm xảy ra, các cơ quan chức năng đang siết chặt công tác phòng cháy chữa cháy. Vì vậy ở những địa điểm kinh doanh, khách thuê mặt bằng cũng bị thắt chặt hơn về quy định. Theo các chuyên gia, nếu chủ đầu tư muốn thu hút khách hàng, cần có sự hỗ trợ nhất định nhằm giúp khách thuê đáp ứng yêu cầu về pháp lý như hiện nay.