Trước đó, ngày 12/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức cho học sinh lớp 11 trên địa bàn thành phố làm bài khảo sát chất lượng hai môn Toán và Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Việc tổ chức khảo sát nhằm giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025. Đồng thời, xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện, học tập của học sinh theo yêu cầu của chương trình; từ đó cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, giúp học sinh điều chỉnh việc học tập, rèn luyện.
Ngày 13/3, công tác chấm bài kiểm tra khảo sát đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai khẩn trương. Việc chấm thi thực hiện chấm tập trung theo cụm nhằm bảo đảm chính xác, minh bạch và khách quan.
Tổng số học sinh lớp 11 tham gia khảo sát là 119.969 em, trong đó khối THPT công lâp có 71.290 em, khối THPT ngoài công lập có 30.090 em, khối GDNN-GDTX có 18.389 em. Số cụm trường tham gia khảo sát là 16 cụm. Có 282 điểm thi với 5.012 phòng thi.
Về công tác tổ chức, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra, khảo sát, thành lập Ban chỉ <span;>đạo, Ban ra đề kiểm tra, khảo sát khối 11. Tổ chức Hội nghị Hướng dẫn các trường cụm trưởng xây dựng Kế hoạch kiểm tra, khảo sát theo đơn vị cụm, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc cụm học tập quy chế, hướng dẫn học sinh cách làm bài trắc nghiệm theo định dạng mới của Bộ. Công tác ra đề, sao in đề, tổ chức kiểm tra thực hiện theo đúng quy chế thi của Bộ.
Đánh giá sơ bộ, việc ra đề, tổ chức sao in bảo đảm đúng kế hoạch thời gian, bảo đảm an toàn, bảo mật. Công tác sao in tại các cụm được tổ chức chặt chẽ, bảo mật. Đề in sao rõ ràng, không có hiện tượng, nhòe, mờ.
Công tác kiểm tra khảo sát được các cụm trường tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế. Học sinh ngồi theo số báo danh, số giám thị mỗi phòng thi bảo đảm đúng hệ số 2,5 giám thị/phòng thi. Mỗi điểm thi đều có 3 giám sát là lãnh đạo, giáo viên các trường khác trong cụm được cử đến giám sát.
Đề kiểm tra được xây dựng theo cấu trúc đề mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tập trung đánh giá năng lực học sinh theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đề kiểm tra môn Ngữ văn được đánh giá là vừa sức, đánh giá được năng lực phẩm chất của học sinh. Vừa tạo cơ hội để học sinh thể hiện sự tinh tế trong cảm nhận thơ, vừa bồi dưỡng tình yêu với mảnh đất quê hương, nơi các em được sinh ra và lớn lên. Phần nghị luận xã hội mang tính thời sự, phù hợp với độ tuổi và thuận lợi cho học sinh thể hiện quan điểm cá nhân, không đòi hỏi phải có đủ trải nghiệm hay trưởng thành nhất định.
Đặt vấn đề quen thuộc là tình cảm gia đình nhưng lại đưa được những trăn trở trước thời hiện đại nhiều thách thức, đề văn vừa giữ được chất văn chương, vừa mang tính giáo dục cao. Cấu trúc của đề đã có sự thay đổi so với đề truyển thống, khi phần nghị luận văn học luôn là phần chính.
Theo đánh giá của giáo viên chấm, cho dù không phải bài nào cũng đủ chiều sâu nhưng chắc chắn khi làm văn, các em cũng có phút sống với tâm tư nghĩ về bản thân và gia đình mình.
Hướng dẫn chấm rõ ràng, chi tiết, khoa học. Rất thuận lợi cho việc chấm bài và đánh giá học sinh.
Đề Ngữ văn đã đáp ứng được yêu cầu tại Công văn số 3175/BGDĐT ngày 21/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Đề kiểm tra môn Toán có sự phân hóa cao, đánh giá được năng lực của học sinh theo từng cấp độ. Đề đã khắc phục được một số nhược điểm của trắc nghiệm nhiều lựa chọn như đã tổ chức nhiều năm qua. Để được điểm cao học sinh cần học chắc, hiểu sâu, có kỹ năng vận dụng tốt.
Đề có tác dụng định hướng rõ rệt cho giáo viên khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục 2018
Đây là lần đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức cho học sinh lớp 11 trên địa bàn thành phố tham gia làm bài khảo sát chất lượng. Việc tổ chức khảo sát nhận được sự đồng tình ủng hộ rất lớn của phụ huynh học sinh và dư luận xã hội. Hầu hết, các phụ huynh cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có bước chuẩn bị sớm như vậy là cần thiết, giúp học sinh tự tin hơn khi tham dự kỳ thi chính thức.