June 27, 2022 | 17:43 GMT+7

Hà Nội lập tổ chuyên gia để “bắt bệnh” cải tạo cầu Long Biên

Khởi Anh -

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng sẽ được kiểm định tổng thể, đề xuất những hạng mục cần sửa chữa, quy mô, nguồn vốn nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông...

Cầu Long Biên đã xuống cấp, hư hỏng nhưng vẫn gánh hàng vạn phương tiện mỗi ngày
Cầu Long Biên đã xuống cấp, hư hỏng nhưng vẫn gánh hàng vạn phương tiện mỗi ngày

UBND thành phố Hà Nội vừa quyết định thành lập Tổ chuyên gia triển khai dự án hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên do Chính phủ Pháp tài trợ.

Tổ chuyên gia do Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải làm Tổ trưởng, với sự tham gia của đại diện các sở, ngành liên quan cùng lãnh đạo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội…

Tổ chuyên gia có trách nhiệm phối hợp với Đại sứ quán Pháp nghiên cứu, đề xuất và triển khai các hoạt động nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan; xây dựng nội dung dự án hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên làm cơ sở để Sở Giao thông vận tải Hà Nội báo cáo thành phố thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) - đơn vị quản lý, duy tu cầu Long Biên, cầu chỉ còn 13 nhịp dầm Pháp cũ, nhiều nhịp bị cắt ngắn so với nguyên bản. Sau khi cầu bị đánh bom vào năm 1972, 6 nhịp cũ được thay bằng 17 dầm quân dụng và sử dụng cho đến bây giờ.

Năm 2015, cầu Long Biên được sửa chữa tổng thể với tổng đầu tư gần 300 tỷ đồng, mục tiêu khai thác an toàn đến năm 2020 khi dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi được triển khai, thay thế cầu Long Biên. Tuy nhiên, dự án đường sắt đô thị số 1 đã được Bộ Giao thông Vân tải bàn giao cho Hà Nội thực hiện, đến nay vẫn chưa được khởi động.

Năm 2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh kinh phí, tập trung cho sửa chữa, gia cố khẩn phần lối đi cho người đi bộ trên cầu Long Biên như thay thế tấm đan, gia cố, sơn lan can. Kinh phí bảo trì cầu Long Biên năm trước là 8,5 tỷ đồng, năm 2022 là hơn 9,7 tỷ đồng bao gồm cả kinh phí bảo dưỡng cầu đường sắt, cầu đường bộ và tuần cầu, bảo vệ cầu.

Đánh giá cầu có các nhịp kết cấu thép bắt đầu han rỉ, bị ăn mòn và hai bên đầu cầu đã được cắm biển cấm phương tiện quá tải, ông Vượng cho biết hàng năm, đơn vị được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt hàng nguồn kinh phí duy tu bảo trì, như năm 2021 là 8,3 tỷ đồng; sang năm 2022 kinh phí được giao là 9,7 tỷ đồng.

Ông Trần Đăng Hải, Trưởng phòng kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cho biết cầu Long Biên hiện hữu có ý nghĩa quan trọng với Hà Nội trong mọi giai đoạn. Hiện nay, mặc dù cầu đã quá tải, xuống cấp nhưng vẫn phục vụ giao thông qua lại cho người dân vùng lõi hai bên cầu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate