Đơn vị này cho biết sẽ trích xuất camera hàng tuần gửi về Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Cảnh sát giao thông Hà Nội để xử lý vi phạm bằng hình thức phạt nguội.
Đồng thời, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải đề xuất, trong thời gian tới, cần nghiên cứu biện pháp cưỡng chế như chôn cọc hoặc xây trụ giao thông hai bên cầu để hạn chế tình trạng xe lam, xe thồ hàng nặng cồng kềnh đi qua cầu gây ảnh hưởng đến hạ tầng kết cấu cầu Long Biên.
Đơn vị này cũng đang bố trí 50 nhân viên chia làm 5 tổ phục vụ công tác quản lý, duy tu cầu Long Biên. Trong đó, 1 tổ làm nhiệm vụ tuần đường, 1 tổ bảo vệ cầu và 3 tổ duy tu. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu Long Biên là 15km/giờ (trước đây là 25 đến 30km/giờ).
Sau khi xảy ra những sự cố “thủng” nền đường trên cầu Long Biên mới đây, các đơn vị liên quan đang khẩn trương rà soát, khắc phục những vị trí bị hư hỏng, đồng thời kiểm định tổng thể cây cầu, đề xuất những hạng mục, quy mô, nguồn vốn và lộ trình sửa chữa.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công Đường sắt Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cầu Long Biên sau vụ sập tấm đan trên cầu.
Bộ cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện khắc phục, sửa chữa ngay các vị trí hư hỏng, các vị trí có nguy cơ mất an toàn (về kết cấu thép vị trí đỡ tấm đan, các tấm đan bêtông cốt thép, mặt đường bêtông nhựa...) nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người, phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên. Đồng thời rà soát tổng thể các hạng mục dự kiến cần đầu tư, sửa chữa, khôi phục (trong đó xác định rõ tổng mức đầu tư, lộ trình đầu tư và nguồn vốn thực hiện) báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để được xem xét quyết định.
Đồng thời Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chấn chỉnh, nhắc nhở đơn vị quản lý bảo trì cầu Long Biên trong việc thực hiện nghiêm quy trình bảo trì cầu Long Biên đối với công tác kiểm tra, phát hiện hư hỏng công trình để có biện pháp xử lý kịp thời; Chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố, hư hỏng công trình cầu Long Biên.
Trước đó, ngày 4/5/2022, phần đường dành cho người đi bộ của cầu Long Biên đã bị gãy, rơi một tấm đan xuống sông. Tiếp đó, vào lúc 10h30 ngày 28/5/2022, tại vị trí dầm D1/10 phần đường dành cho xe máy và xe đạp phía thượng lưu hướng quận Hoàn Kiếm đi quận Long Biên, một tấm đan bị hư hỏng rơi xuống.
Cả hai vụ việc đều được nhân viên tuần cầu phát hiện kịp thời, báo đơn vị lắp đặt tín hiệu cảnh báo, bố trí nhân viên chốt gác, đồng thời huy động nhân lực, thiết bị, vật tư tiến hành sửa chữa, gia cố và lắp đặt tấm đan thay thế ngay.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải, nguyên nhân do kết cấu thép đỡ tấm đan lâu ngày sử dụng bị han rỉ, mất liên kết, kết hợp mưa nhiều ngày trước đó nên chưa kịp thời phát hiện ra cùng đó nhiều xe ba gác chở hàng nặng vẫn lưu thông trên cầu ảnh hưởng đến kết cấu thép này.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, khởi công tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và khánh thành năm 1902. Cầu dài 1.691 m, ban đầu là cầu dàn thép, đường sắt chạy ở giữa, hai bên dành cho phương tiện đường bộ.
Trong thời gian chiến tranh, cầu bị hư hỏng một số nhịp. Để đảm bảo giao thông, nhà nước đã gia cố tạm bằng các hệ dầm kỹ thuật. Giai đoạn 1995-2010, cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng. Năm 2015, ngân sách Nhà nước chi 300 tỷ đồng để đại tu công trình.
Những năm qua, cầu chỉ được bảo dưỡng định kỳ, mỗi năm bốn lần, chủ yếu với đường sắt như cạo gỉ sắt, sơn lại, thay thế gia cố tà vẹt, ốc vít, vệ sinh cầu. Hiện cầu Long Biên chỉ dành cho đường sắt, phần đường bộ dành cho xe máy và xe thô sơ. Ô tô không được qua cầu.