Chiều 20/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị Giám đốc các Sở giáo dục đào tạo về quản lý các hoạt động giáo dục nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2025.
Hội nghị tập trung đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên trong học kỳ I năm học 2024-2025; phương hướng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2024-2025; công tác quản lý các hoạt động giáo dục vào dịp Tết Nguyên đán năm 2025.
Thông tin về tình hình triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên trong học kỳ I năm học 2024-2025, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết các Sở giáo dục đào tạo đã kịp thời tham mưu HĐND, UBND tỉnh/thành phố ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định để hướng dẫn cơ sở giáo dục triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 và tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học được ban hành kịp thời, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Giáo dục và hướng dẫn của Bộ Các sở giáo dục và đào tạo, Phòng giáo dục và đào tạo tham mưu việc bố trí mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học, bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn.
Các Sở cũng chỉ đạo cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt các điều kiện và triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12.
Các nhà trường chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Cùng với đó, hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường được nâng cao; đảm bảo tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh, các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường…
Ngành Giáo dục đã thực hiện thành công thí điểm học bạ số cấp tiểu học và thí điểm dạy học kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học; ban hành hướng dẫn triển khai học bạ số cho trung học và giáo dục thường xuyên từ 2025.
Nhấn mạnh đến việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định việc này đã từng bước hoàn thiện và đạt kết quả; đã thể hiện sự kiểm đếm, huy động đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị trường học các môn học.
Qua theo dõi, kiểm tra tại các địa phương cho thấy, việc phân công giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là đối với các môn học mới, từng bước đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.
Tại hội nghị, giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học này Hà Nội đã tăng thêm 2 trường THPT chuyên và 39 trường học; khắc phục được tình trạng phụ huynh phải xếp hàng đăng ký nhập học; hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương với lớp 5, 9, 12 và từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; quy định chặt chẽ việc học sinh sử dụng điện thoại ở trường, lớp học…
Sở giáo dục và đào tạo TP Hà Nội cũng đã tham mưu thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm; chuẩn bị chu đáo cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT; đã xây dựng phương án tuyển sinh đầu cấp với tiêu chí xét tuyển vào lớp 6, đặc biệt đối với các trường chất lượng cao bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch…
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo TP.Huế đánh giá cao việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu, ban hành kịp thời các văn bản, giải quyết điểm nghẽn cho địa phương. Ngành Giáo dục TP.Huế đã triển khai các Thông tư, quy định này thông qua đẩy mạnh truyền thông.