Thành phố Hà Nội đang kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai xây nhà cao tầng khu vực trung tâm.
Đây được xem là một động thái nhằm gỡ khó cho một số chủ đầu tư có dự án đã được cấp phép hoặc đang triển khai dang dở. Đồng thời, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng eo hẹp, nhà cao tầng cũng được xem là giải pháp tối ưu để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân Thủ đô.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một nhà kiến trúc, PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội, lại không nghĩ như vậy.
Theo ông, việc xây nhà cao tầng trong các quận nội thành không những sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị mà nó còn tạo nên áp lực hạ tầng, giao thông cho thành phố mà có thể hàng chục năm sau cũng khó mà khắc phục.
Trao đổi với VnEconomy, ông Hanh nói:
- Cùng với đề xuất của thành phố lên Thủ tướng, hiện các doanh nghiệp đang nôn nóng để dự án của mình tiếp tục được triển khai.
Tuy nhiên, để bảo đảm tiêu chí phát triển bền vững thì chắc chắn phải có thiết kế chi tiết, đặc biệt là kiến trúc đô thị. Trên cơ sở đó thành phố phải xây lại mô hình và đầu tư có trọng tâm trọng điểm các khu vực cao tầng thì mới là những bước đi đúng của công tác quy hoạch.
Vừa qua, chúng ta vẫn giải quyết theo kiểu bị động, tức là doanh nghiệp mua đất xong, sau đó làm các thủ tục chủ yếu là để thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố chứ hoàn toàn chưa quan tâm đến kiểm soát hình ảnh đô thị và kiến trúc cảnh quan của Thủ đô.
Nhưng theo ông, việc Chính phủ ra lệnh “cấm” xây nhà cao tầng trong nội đô liệu có gây khó cho doanh nghiệp và thành phố Hà Nội?
Đương nhiên, việc dừng xây nhà cao tầng sẽ gây nên khó khăn cho những doanh nghiệp đã có dự án hoặc đang triển khai dở dang và cả cho cơ quan quản lý của thành phố.
Nhưng cũng qua đợt này, thành phố sẽ rút ra được bài học, cách làm bài bản hơn, biết rõ hơn những vùng nào có thể xây nhà cao tầng cũng như phải tôn trọng vùng hạn chế phát triển thực sự, tạo ra hình ảnh đô thị đúng tầm thủ đô.
Một lời khuyên lúc này là thành phố phải làm thế nào để có thể thực hiện nhanh, sắp xếp các công trình đúng chỗ, đúng thiết kế của đô thị rồi từ đó mới giải quyết thủ tục hành chính tiếp theo.
Nên nhớ rằng, nếu chúng ta làm phần thượng tầng tốt mà không lo phần hậu cần thì sau này sẽ khó mà giải quyết hậu quả để lại.
Vậy, dưới góc độ kiến trúc, nhà cao tầng ảnh hưởng như thế nào để kiến trúc đô thị và áp lực kết cấu hạ tầng?
Nhà cao tầng là một đường phố dựng ngược, do đó toàn bộ kết cấu hạ tầng nó cũng sẽ dựng đứng theo, tạo ra một sức nén rất lớn.
Hơn nữa, chúng ta không nên nhầm lẫn quan niệm xây nhà cao tầng là tiết kiệm được đất. Thực ra, khi xây nhà cao tầng thì phải giải phóng mặt bằng, diện tích tự do, không gian công cộng nhiều hơn.
Với thực tế là chúng ta đang xen cấy nhiều nhà cao tầng thì không gian công cộng sẽ không tăng lên được vì chúng ta không còn cơ hội giải phóng được nhiều khu nữa.
Bên cạnh đó, vì xây dựng phân tán nên áp lực kết cấu hạ tầng của các nhà cao tầng sẽ đè lên các vùng không chịu được, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là về giao thông, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy.
Còn về hình ảnh đô thị đòi hỏi phải có tính tổ chức chặt chẽ, thống nhất trên một cái “phông”, trong khi chúng ta lại đang làm theo kiểu bị động nên đã gây nên nhiều quan ngại.
Kinh nghiệm các nước trong phát triển nhà cao tầng như thế nào, thưa ông?
Ở các nước, họ thường tập trung nhà cao tầng thành một đầu mối để thu hút, trên cơ sở đó sẽ xây dựng một kết cấu hạ tầng thật tốt, có khả năng chiu tải được với một không gian ngầm tối thiểu là 6 tầng cùng với hệ thống giao thông ngầm hiện đại.
Chẳng hạn như ở Nhật Bản, mỗi nút giao thông có thể điều tiết giao thông 2,5 triệu lượt người/ngày. Nếu chúng ta không gom lại và có sự điều tiết thì sẽ rất khó.
Còn về mặt mỹ quan kiến trúc đô thị thì chính những khu vực được gom lại này sẽ tạo thành những điểm nhấn của thành phố, để có thể nhận dạng được đô thị từ xa, tạo ra “ngôn ngữ” đô thị mà bất kỳ ai cũng đọc được.
Nhưng một số nước phát triển họ cũng tạo được hình ảnh của Thủ đô bằng những tòa nhà chọc trời trong trung tâm?
Đúng là nhà chọc trời thường biểu hiện cho một sự phát triển về công nghệ và tri thức. Nhưng, xây cao tầng cũng để lại nhiều hậu quả về môi trường, sinh thái, quản lý... nên thế giới hiện nay nhiều nước cũng không phát triển nhà cao tầng.
Tuy nhiên, với Hà Nội, một vài công trình cao tầng đặt đúng vị trí để làm biểu tượng của Thủ đô cũng là điều cần thiết. Nhưng nếu lạm dụng để xây quá nhiều nhà cao tầng thì lại là điều nên tránh. Quan điểm của tôi là không nên có nhiều nhà cao tầng ở khu trung tâm.
Nhưng nếu không có nhiều nhà cao tầng ở trung tâm dễ bị cho là một đất nước lạc hậu, kém phát triển...
Lạc hậu hay không không phải là có nhà cao tầng hay không, mà quan trọng là phải thể hiện được tính độc đáo của nền văn hóa chứ không nhất thiết phải chạy theo. Các nước Bắc Âu không có nhà cao tầng nhưng họ có lạc hậu đâu. Thậm chí nhiều nước còn mơ ước được như họ.
Nhà cao tầng, nhà thấp tầng không thể hiện được sự lạc hậu hay hiện đại mà quan trọng là chất lượng sống của người dân ở đó.
Vậy việc được phép hay không được phép xây nhà cao tầng sắp tới có ảnh hưởng đến quy hoạch Thủ đô?
Thực ra nhà cao tầng thì không ảnh hưởng gì đến quy hoạch Thủ đô, trừ những khu vực phải không chế quyết liệt. Vấn đề là chúng ta thiết kế thế nào để hài hòa về kiến trúc đô thị. Nếu nhà thấp tầng mà sử dụng không khéo thì cũng rất xấu.
Cao tầng hay thấp tầng thuộc về vấn đề sách lược, tổ chức lối sống. Đây chính là hai hình thức xây dựng, sử dụng đất khác nhau và nó phụ thuộc vào điều kiện cụ thể.
Luôn nhớ rằng, kiến trúc quy hoạch là một nghệ thuật nên nó không thể theo một công thức toán học được, không có một phương thức nào có thể thay thế cho tất cả.
Trong quy hoạch Thủ đô có dự tính phát triển những đô thị lớn về phía tây. Theo ông nếu tập trung nhà cao tầng ở khu vực này có hợp lý?
Hiện nay, các nhà khoa học và các đại biểu quốc hội cũng đang yêu cầu Hà Nội phải làm rõ phát triển lên phía Tây phải phù hợp với chức năng nào.
Còn theo tôi, các chuỗi đô thị phía Tây chỉ có thể phù hợp với các công trình xã hội mang tính không sinh lời, các trung tâm đào tạo, nghiên cứu...
Nhưng nếu để những công trình sinh lời, gắn với thị trường thì không phù hợp. Hơn nữa, khu vực Phú Xuyên, Đan Phượng, Thường Tín là những vùng trũng, chỉ phù hợp phát triển nội đồng, càng ngày càng nguy hiểm. Nếu chúng ta phát triển những đô thị khổng lồ, dày đặc tại các khu vực này thì sẽ là sai lầm.
Còn nếu muốn phát triển kinh tế thì chỉ nên phát triển về phía Bắc, phía Đông, ở đó sẽ gắn với hai hành lang kinh tế và các cảng nước sâu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate