July 14, 2025 | 12:00 GMT+7

Hà Nội nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, phí biển số ô tô, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch

Nhĩ Anh -

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thực hiện các biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, giải quyết có hiệu quả rõ nét tình trạng ô nhiễm môi trường, thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về môi trường, phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển bền vững, tạo tiền đề đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới, cùng với việc thực hiện các kết luận, nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương tập trung rà soát tháo gỡ các "điểm nghẽn", hoàn thiện thể chế về bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi và phù hợp với việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và mô hình chính quyền 3 cấp;

Chỉ thị cũng yêu cầu quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chiến lược, đề án, dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm và phạm vi quản lý bảo đảm nguyên tắc "6 rõ", ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực xã hội để giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách;

Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và huy động nguồn lực tư nhân, hợp tác công tư trong công tác bảo vệ môi trường; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan và hợp tác quốc tế để giải quyết có hiệu quả các vấn đề môi trường liên vùng, liên khu vực.

NGHIÊN CỨU, BỔ SUNG QUY ĐỊNH THỰC HIỆN THU PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VỚI KHÍ THẢI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG

Cùng với việc tập trung rà soát tháo gỡ các "điểm nghẽn", hoàn thiện thể chế về bảo vệ môi trường; kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm, triệt để tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường bảo đảm cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm, kịp thời, có hiệu quả, đủ sức răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và phù hợp với thực tế tổ chức bộ máy của các cơ quan ở Trung ương, địa phương.

Khẩn trương hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương liên quan tích hợp dữ liệu xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi và thẩm quyền quản lý, tích hợp đồng bộ vào Trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để phục vụ có hiệu quả ngay trong công tác quản lý nhà nước, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, hoàn thành trong năm 2025.

Hà Nội nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, phí biển số ô tô, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch - Ảnh 1

Bộ Xây dựng tập trung thực hiện có lộ trình cụ thể trong năm 2025 và các năm tiếp theo các giải pháp đẩy nhanh xây dựng hệ thống giao thông công cộng, hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn, thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, khẩn trương hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (thực hiện từ quý 3/2025).

Yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung các quy định để thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông, hoàn thành trong quý 3/2025; rà soát tổng thể và bảo đảm có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động liên quan đến phát triển giao thông xanh, hoàn thành trong quý 4/2025.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất và chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, việc nhập khẩu phương tiện, máy móc đã qua sử dụng, phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, có kế hoạch cụ thể thực hiện từ quý 3/2025.

Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra chuyên đề về thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các địa bàn để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các dự án có sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường có dấu hiệu sai phạm, chậm tiến độ, lãng phí, kém hiệu quả; kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn quản lý. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, chuyển Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định. Chỉ thị yêu cầu thực hiện vấn đề này ngay từ quý 3/2025.

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro về môi trường và hệ thống xếp hạng tín dụng khách hàng về tiêu chí chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động cho vay nhằm nâng cao trách nhiệm, khuyến khích khách hàng tích cực áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường, có văn bản chỉ đạo trong quý 3/2025.

HÀ NỘI SẼ KHÔNG CÓ XE MÁY XĂNG LƯU THÔNG TRONG VÀNH ĐAI 1 TỪ 1/7/2026

Với UBND Tp.Hà Nội ngoài việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm. Cụ thể, về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông đô thị, Chỉ thị yêu cầu Hà Nội lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong quý 3/2025) và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.

Cùng với đó cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện.

Triển khai thực hiện Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội.

 

Thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 01/01/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng (ban hành trước ngày 30/9/2025).

Đáng chú ý, Chỉ thị yêu cầu Hà Nội nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xây dựng lộ trình cụ thể từ quý 3/2025 và điều chỉnh hằng năm).

Thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 01/01/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate