May 14, 2025 | 11:48 GMT+7

Đề xuất lộ trình thực hiện kiểm định khí thải với xe máy: Hà Nội và TP.HCM có thể áp dụng từ năm 2027

Tùng Dương -

Dự  kiến từ năm 2027 sẽ bắt đầu thự hiện kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Từ năm 2028 sẽ thực hiện tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Tp.Huế. Đáng chú ý, xe mô tô sản xuất trước năm 2008 sẽ áp dụng Mức 1- Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lộ trình này được đưa ra trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường lấy ý kiến nhân dân.

XE MÁY LÀ MỘT TRONG NHỮNG NGUỒN GÂY Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam nói chung và một số đô thị lớn nói riêng có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

Tình hình diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc có tính quy luật về mặt thời gian (“mùa” ô nhiễm không khí, mang tính thời điểm trong ngày) và có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian tại các thành phố, đô thị lớn như Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Một số khu vực trong nội thành Hà Nội, chất lượng không khí đã ở mức kém và xấu, giá trị PM2.5 đã vượt QCVN, có thể ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe của con người, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm.

Như vậy, có thể thấy vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị khác trong toàn quốc chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

Đề xuất lộ trình thực hiện kiểm định khí thải với xe máy: Hà Nội và TP.HCM có thể áp dụng từ năm 2027 - Ảnh 1

Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là hoạt động giao thông vận tải, trong đó có hoạt động của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, mô tô, xe máy đang lưu hành. Kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia môi trường cho thấy tỷ lệ đóng góp ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông vận tải giao động trong khoảng từ 20% đến 60%.

Hiện nay, chỉ có TCVN 6438:2018 là tiêu chuẩn quy định các mức giới hạn tối đa cho phép của khí thải xe mô tô, xe gắn máy, nhưng theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, TCVN chỉ mang tính khuyến nghị, tự nguyện áp dụng. Chỉ những QCVN do cơ quan nhà nước ban hành mới có tính bắt buộc về pháp lý.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết tính đến thời điểm hiện tại cũng chưa có QCVN đối với khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam, nên chưa đủ căn cứ để thực hiện đầy đủ quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để sớm triển khai áp dụng lộ trình áp dụng quy định mức khí thải bắt buộc đối xe mô tô, xe gắn máy với lưu hành ở Việt Nam.

Ngoài ra, sự chênh lệch giữa quy chuẩn khí thải của xe nhập khẩu, xe sản xuất, lắp mới và xe lưu hành tạo ra bất cập trong việc kiểm soát phát thải. Hiện nay với chỉ có quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp tại Quyết định số 19/2024/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Để có sự đồng bộ trong công tác quản lý, kiểm soát khí thải đòi hỏi cần có quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải với xe mô tô, xe găn máy lưu hành tại Việt Nam.

Hiện nay, mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam chủ yếu chỉ phải đáp ứng Mức 1, Mức 2 theo TCVN 6438:2018, thấp hơn đáng kể so với tiêu chuẩn áp dụng ở các nước trong khu vực và quốc tế. Thực tế cũng chỉ có quy định loại bỏ xe tự chế, niên hạn sử dụng đối với ô tô, chưa có cơ chế loại bỏ dần các xe mô tô, xe máy cũ nát, lạc hậu có mức phát thải cao, dẫn đến tình trạng xe cũ vẫn tiếp tục lưu hành, gây ô nhiễm nặng nề hơn.

LỘ TRÌNH ÁP DỤNG QUY CHUẨN KHÍ THẢI: XE MÔ TÔ SẢN XUẤT TRƯỚC NĂM 2008 SẼ RA SAO?

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc xây dựng lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành nhằm mục tiêu kiểm soát, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cải thiện chất lượng môi trường sống.

Đồng thời, lộ trình này tạo cơ sở pháp lý để từng bước loại bỏ phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải, thúc đẩy việc chuyển đổi sang phương tiện sạch, thân thiện với môi trường.

Việc áp dụng lộ trình cũng nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ phát triển giao thông đô thị bền vững, hiện đại theo định hướng chiến lược quốc gia. Đây cũng là bước đi cần thiết nhằm tiến tới xây dựng hệ thống giao thông bền vững và phát triển đô thị xanh trong tương lai.

Xe mô tô sản xuất trước năm 2008, áp dụng Mức 1- Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Xe mô tô sản xuất trước năm 2008, áp dụng Mức 1- Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.

Dự thảo Quyết định được xây dựng trên quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường sống là ưu tiên hàng đầu. Việc kiểm soát khí thải từ xe mô tô, xe gắn máy phải được đặt trong tổng thể mục tiêu bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí đô thị và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Thực hiện lộ trình một cách thận trọng, khả thi, có phân kỳ phù hợp: lộ trình áp dụng cần tính toán đầy đủ tác động kinh tế- xã hội, tránh gây xáo trộn lớn cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nhóm người thu nhập thấp phụ thuộc vào xe mô tô, xe gắn máy.

Ưu tiên áp dụng trước tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Nghiên cứu triển khai thí điểm tại các đô thị lớn (như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh...) trước khi nhân rộng ra toàn quốc, kết hợp với các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, truyền thông và chính sách ưu đãi.

Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát khí thải với thúc đẩy phương tiện sạch. Song song với kiểm soát và loại bỏ phương tiện không đạt chuẩn khí thải, cần khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh như xe máy điện, xe sử dụng công nghệ thân thiện môi trường.

Bảo đảm sự đồng thuận xã hội và hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện: cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ kỹ thuật kiểm định, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, truyền thông nâng cao nhận thức để tạo sự đồng thuận cao từ xã hội, người dân và cộng đồng.

Dự thảo nêu rõ lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải. Cụ thể, về thời điểm bắt đầu thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, từ 01/01/2027 đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn 2 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh.

Từ 01/01/2028 đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn 04 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại, gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Tp.Huế.

Từ 01/01/2030 đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn lại. Tùy theo tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố này có thể quy định áp dụng thời hạn sớm hơn.

 
Theo dự thảo, xe mô tô sản xuất trước năm 2008, áp dụng Mức 1- Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam. 
Xe mô tô sản xuất từ năm 2008 đến năm 2016, áp dụng Mức 2- Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam. 
Xe mô tô sản xuất từ năm 2017 đến ngày 30/6/2026, áp dụng Mức 3- Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Xe mô tô sản xuất sau ngày 01/7/2026, áp dụng Mức 4- Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Xe gắn máy sản xuất trước năm 2016, áp dụng Mức 1- Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Xe gắn máy sản xuất từ năm 2017 đến ngày 30/6/2027, áp dụng Mức 2- Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Xe gắn máy sản xuất từ ngày 01/7/2027, áp dụng Mức 4- Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh phải đáp ứng quy định về khí thải Mức 2 trở lên, tính từ ngày 01/01/2032.
Xe mô tô, xe gắn máy lưu hành vào "vùng phát thải thấp" của Hà Nội theo quy định của Luật Thủ đô phải đáp ứng quy định về khí thải theo Nghị quyết của HĐND.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate