Theo thông tin công bố, khu đất nghiên cứu lập Thiết kế đô thị riêng tuyến phố Lý Thường Kiệt, tỷ lệ 1/500 thuộc địa giới hành chính các phường: Cửa Nam, Trần Hưng Đạo, Hàng Bài và Phan Chu Trinh, có điểm đầu là nút giao thông với phố Lê Duẩn (phía Tây), điểm cuối là nút giao thông với phố Lê Thánh Tông (phía Đông).
Cụ thể, phía Bắc, Nam lấy hết ranh giới quản lý sử dụng của các ô đất lớn tiếp giáp tuyến phố Lý Thường Kiệt, lòng đường các tuyến phố giao cắt với phố Lý Thường Kiệt và ranh giới ô phố liên quan;
Còn phía Tây được xác định trên cơ sở ranh giới phía Bắc và phía Nam (hai bên tuyến phố Lý Thường Kiệt), lấy đến hết ranh giới hành chính quận Hoàn Kiếm trên tuyến phố Lê Duẩn (theo ranh giới sử dụng nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức trên phố Lê Duẩn);
Phía Đông, trên cơ sở ranh giới phía Bắc và phía Nam (hai bên tuyến phố Lý Thường Kiệt), lấy đến ranh giới hè phố Lê Thánh Tông và ranh giới sử dụng nhà hoặc đất của Trường đại học Dược Hà Nội, Trường đại học Khoa học tự nhiên-Đại học Quốc gia.
Diện tích nghiên cứu lập đồ án Thiết kế đô thị quy mô khoảng 41,16ha; diện tích khu đất lập đồ án Thiết kế đô thị khoảng 30,26ha; chiều dài tuyến khoảng 1,8km.
Về nguyên tắc, thiết kế đô thị tuân thủ định hướng tại các đồ án Quy hoạch cấp trên đã được phê duyệt, cùng quy hoạch chuyên ngành có liên quan, không bổ sung thêm chức năng nhà ở, hạn chế việc làm tăng chất tải hạ tầng… Đồng thời việc đánh giá, nghiên cứu, quyết định nâng tầng cao, chiều cao của công trình điểm nhấn phải nghiên cứu kỹ lưỡng để hài hòa, phù hợp với mặt bằng chung toàn tuyến phố cũng như khu vực lân cận, và phải được lấy ý kiến của động đồng dân cư, tránh phát sinh ý kiến không đồng thuận khi đồ án công bố, công khai theo quy định.
Các phương án khai thác, quản lý đồng bộ lòng đường, vỉa hè của tuyến phố vào mục đích kinh doanh, buôn bán và làm điểm trông giữ phương tiện giao thông cũng phải thực hiện một cách hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo trật tự văn minh đô thị, hướng tới sự phát triển bền vững, an toàn và tiện nghi.
Phương án thiết kế tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị bám sát thực tế, hiện trạng đô thị, hài hòa giữa khu vực cải tạo, chỉnh trang và phát triển xây dựng mới; đánh giá, xác định các vị trí có thể định hướng là điểm nhấn về kiến trúc.
Bên cạnh đó, về định hình kiến trúc cần phối hợp, rà soát với địa phương giải quyết những trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng, không để phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo, tạo nên sự thống nhất về kiến trúc cảnh quan trên toàn tuyến; cần quy định cụ thể vị trí, hình thức các không gian công cộng trong đô thị: tượng đài, sân vườn, quảng trường… các khu di tích, công trình di sản văn hóa thì khoanh vùng bảo vệ.
Đặc biệt, việc nghiên cứu đồ án thiết kế đô thị tuyến phố phải được nghiên cứu tổng thể với việc thiết kế đô thị tuyến phố Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng làm cơ sở để quản lý đồng bộ các tuyến phố song hành trong khu vực.
UBND quận Hoàn Kiếm là cơ quan tổ chức lập đồ án Thiết kế đô thị. Thời gian lập Đồ án thiết kế đô thị không quá 6 tháng kể từ ngày nhiệm vụ thiết kế đô thị được phê duyệt.