February 04, 2023 | 00:49 GMT+7

Hà Nội phê duyệt biên chế công chức năm 2023

Nhật Dương -

Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội tổ chức triển khai giao biên chế hành chính, sự nghiệp, cùng với giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội để các đơn vị chủ động thực hiện ngay từ đầu năm 2023...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 27/NQ-HĐND về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP. Hà Nội năm 2023.

Theo đó, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội thông qua tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2023 và quyết định giao biên chế cho các cơ quan của thành phố, quận, huyện, thị xã.

Cụ thể, biên chế công chức hành chính và biên chế công chức phường thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị là 10.545 biên chế. Biên chế viên chức tại các đơn vị sự nghiệp, các Hội đặc thù phạm vi thành phố và các quận, huyện, thị xã 113.662 biên chế.

Chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP tại các cơ quan hành chính là 1.079 chỉ tiêu. Chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP tại các đơn vị sự nghiệp công lập, các Hội đặc thù phạm vi thành phố và các quận, huyện, thị xã là 10.415 chỉ tiêu. Chỉ tiêu lao động hợp đồng định mức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, các Hội đặc thù phạm vi thành phố và các quận, huyện, thị xã là 8.293 chỉ tiêu.

Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai giao biên chế hành chính, sự nghiệp theo đúng Nghị quyết cùng với giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội để các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện ngay từ đầu năm.

Trong năm 2023, nếu có phát sinh (tăng hoặc giảm) so với Nghị quyết về biên chế hành chính, sự nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trước khi thực hiện, và báo cáo vào kỳ họp trong năm 2023.

Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội cũng được giao hoàn thiện Đề án “Đánh giá thực trạng biên chế sự nghiệp khối giáo đục của thành phố; đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách, quy trình, định mức, đơn giá đào tạo, cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu; đổi mới phương thức hoạt động đơn vị sự nghiệp gắn với việc đẩy mạnh chuyển đổi số”.

Bên cạnh đó, cần rà soát xây dựng đề án vị trí việc làm các Hội đặc thù, từng bước nghiên cứu thực hiện phương án giao khoán kinh phí hoạt động đối với các Hội theo quy định.

Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyển đô thị tại TP. Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội; kịp thời kiểm tra, rà soát, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; báo cáo các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến đối với những nội dung vượt thẩm quyền, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Song song đó, cần tiếp tục rà soát tổ chức sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Rà soát, điều chỉnh, phê duyệt đề án vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, trên cơ sở danh mục khung vị trí việc làm được Bộ Chính trị thông qua và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Quản lý chuyên ngành và phù hợp với thực tiễn quản lý để đề án vị trí việc làm thực sự phát huy tối đa hiệu quả.

Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục nghiên cứu bố trí nguồn kinh phí cho các cơ quan, đơn vị để đảm bảo hoạt động ổn định, nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức và người lao động khi thực hiện tỉnh giảm biên chế.

Mặt khác, cần đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ, tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới công tác tuyển dụng; nâng cao chất lượng đánh giá công chức, viên chức; thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ thường xuyên và đột xuất. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate