Ngày 7/10, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi một số cơ quan liên quan về việc xử lý, đình chỉ hoạt động các quán cà phê sát đường tàu thuộc địa bàn một số quận, huyện.
Trong văn bản do Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng ký gửi Cục Đường sắt Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố và UBND một số quận, huyện, cơ quan này cho hay, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt; thực hiện các biện pháp ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn nghiêm trọng.
Trước ý kiến đó, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm và Mê Linh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt. Việc xử lý hoàn thành trước ngày 12/10.
Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của UBND các quận, huyện nêu trên và báo cáo UBND thành phố trước ngày 12/10.
Được biết, vài tháng trở lại đây, đoạn đường sắt từ ngã tư giao cắt với phố Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng mọc lên hàng loạt quán cà phê nằm sát bên đường tàu, phục vụ giới trẻ và du khách nước ngoài với mong muốn được trải nghiệm cuộc sống của người dân sống hai bên đường tàu, ngắm cảnh tàu hỏa chạy xuyên qua lòng phố cổ.
Tình trạng này đã gây mất trật tự an toàn bảo vệ hành lang đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt. Thậm chí, hôm 6/10, đoàn tàu LP5 đi Hải Phòng đã phải dừng khẩn cấp để tránh người trên đường ray, đoạn qua phố cà phê Phùng Hưng.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, một số chuyên gia du lịch và giao thông cho rằng Hà Nội nên giữ nét độc đáo "cà phê đường tàu' và có thêm các biện pháp đảm bảo an toàn thay vì ngăn cấm.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty Du lịch Vietrantour, cho biết, điểm cà phê đường tàu không nằm trong chương trình của các hãng lữ hành song nhiều du khách nước ngoài vẫn tự tìm đến đây, cho thấy sức hấp dẫn của tụ điểm này. Du khách đến không phải chỉ uống cà phê mà họ tìm hiểu về cuộc sống của người Hà Nội, nét độc đáo của tuyến đường sắt đi xuyên qua thành phố. Để chờ tàu thì họ muốn ngồi trong các quán cà phê, thưởng thức món đồ uống đặc trưng của Hà Nội.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nhìn nhận, Hà Nội nên có giải pháp quản lý các quán cà phê đường tàu chứ không đơn giản là xóa hết. Chính quyền cần khảo sát thực tế vị trí nào có hành lang đủ an toàn thì có thể cho tồn tại các quán cà phê và lấy ý kiến người dân, chuyên gia để có hướng xử lý phù hợp.
"Nhiều năm qua, người dân Hà Nội sống ven đường tàu vẫn đi lại, sinh hoạt trong hành lang đường sắt, họ vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân. Nếu phải xóa theo đúng quy định thì các hộ dân này cũng phải giải tỏa", ông Quyền nêu ý kiến.