March 14, 2024 | 15:56 GMT+7

Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế hướng tới một nền giáo dục có chất lượng

Đỗ Như -

Ngày 14/3, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Hướng tới một nền giáo dục có chất lượng dưới góc nhìn từ lập kế hoạch chiến lược giáo dục và đảm bảo công bằng trong giáo dục”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị.

Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của 80 đại biểu và 300 đại biểu trực tuyến là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo, các lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, nhà giáo dục và đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội, các viện nghiên cứu và trường đại học, các Sở GDĐT, các tổ chức quốc tế…

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia thảo luận về các vấn đề liên quan đến: Công bằng giáo dục - vai trò của các bên liên quan trong quá trình thực hiện; các bước xây dựng kế hoạch chiến lược giáo dục hướng tới công bằng giáo dục; vai trò của kế hoạch chiến lược giáo dục và thực hiện chính sách công bằng nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục; kinh nghiệm và thực tiễn về công bằng trong hoạch định chính sách giáo dục; kế hoạch chiến lược giáo dục ở các nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ trưởng đánh giá, bên cạnh những kết quả ấn tượng về phổ cập giáo dục, nền giáo dục của Việt Nam cũng được thế giới ghi nhận cả về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, với 5 “cột mốc” đã đạt được: Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học; Ban hành và tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; Chất lượng giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tốt hơn, công tác đào tạo nghề cho công nhân và lao động nông thôn được quan tâm; Đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn; Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện…

Tuy nhiên, hiện nay, việc thực thi các chính sách công bằng trong giáo dục còn gặp nhiều thách thức như việc tiếp cận giáo dục chất lượng tốt của những trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa; những trẻ em không được hỗ trợ từ gia đình và nhà trường cũng dễ trở thành nạn nhân “bị bỏ lại phía sau” trong một môi trường sống đầy biến động”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng kỳ vọng tại Hội thảo này, cũng như trong các hoạt động tiếp theo, các tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đồng hành cùng các nhà khoa học Việt Nam trong quá trình xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển giáo dục Việt Nam, cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng có hiệu quả giữa các nước vì một thế giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Bà Lê Thị Hồng Vân, Quyền Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, trong bối cảnh thế giới có sự chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và bất ổn đang gia tăng với rất nhiều những cơ hội và thách thức mới, thì đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, giáo dục chất lượng, công bằng, hiện đại hóa giáo dục, phát triển nguồn lực để bảo đảm các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số đặt ra đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Vì thế, việc lập kế hoạch chiến lược giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng và đây cũng là ưu tiên của UNESCO.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, ở những quốc gia có thành phần dân tộc đa dạng như Việt Nam, việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận và tham gia giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số là điều tối quan trọng. Điều này không chỉ liên quan đến khả năng tiếp cận vật lý mà còn liên quan đến các khía cạnh về tâm lý - xã hội lẫn kết quả học tập nói chung.

“Tôi rất vui mừng vì Việt Nam đã thể hiện thiện chí chính trị trong việc chuyển biến giáo dục thông qua quá trình tham vấn để đưa ra tuyên bố cam kết quốc gia. Những cam kết được đưa ra vào năm 2022 chính là tiền đề cho công tác lập kế hoạch định chiến lược tiếp theo”, ông Jonathan Baker chia sẻ.

Hội thảo với việc thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, từ tình hình thực tế của giáo dục Việt Nam, đã đưa ra các ý tưởng, kiến nghị. Trong đó, tập trung các nội dung quan trọng: Công bằng, hòa nhập và bình đẳng giới hướng tới chuyển đổi hệ thống giáo dục; tư duy tương lai về hoạch định chiến lược giáo dục thiết yếu công bằng và chất lượng; cần nghiên cứu kĩ hơn về cách tiếp cận, cơ chế bền vững với nhóm người yếu thế; đầu tư vào giáo dục chất lượng cao; nâng cao vai trò của giáo viên; lập kế hoạch chiến lược đưa chính sách vào thực tiễn…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate