UBND tỉnh Hải Dương vừa tổ chức cuộc họp báo cáo và xin ý kiến về phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Dương đến năm 2040 làm cơ sở hoàn thiện trình Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt.
ĐÔ THỊ CẤP VÙNG, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP NHẸ
Trong Vùng Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương, được xác định là đô thị trung tâm cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng Nam và Đông Nam Đồng bằng Sông Hồng.
Tuy nhiên, qua nhiều năm thực hiện đến nay đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần được nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh.
Từ đó, phạm vi khu vực lập điều chỉnh quy hoạch lần này là toàn bộ ranh giới hành chính TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương, được điều chỉnh theo Nghị quyết số 788 (ngày 16/10/2019) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương, bao gồm 19 phường và 06 xã, với tổng diện tích tự nhiên là 111,64 km2.
Mục tiêu lập quy hoạch được xác định là để phát triển TP. Hải Dương với những vị thế và xu hướng phát triển mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, di sản văn hoá, bản sắc con người xứ Đông để phát triển nhanh và bền vững.
Đồng thời, đầu tư xây dựng hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I; xây dựng TP. Hải Dương thành đô thị văn minh, xanh, thân thiện với môi trường, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện, hấp dẫn nhà đầu tư, thu hút lực lượng lao động, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Từ đó, làm cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án đầu tư xây dựng.
Theo báo cáo phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Dương đến năm 2040, trong định hướng phát triển, thành phố sẽ kế thừa 03 mục tiêu của quy hoạch cũ là thành phố năng động, thành phố văn hóa - lịch sử, thành phố sống khỏe.
Đồng thời, bổ sung thêm 02 mục tiêu là thành phố xanh, thông minh và thành phố sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thành phố Hải Dương được định hướng phát triển từ đô thị trung tâm hiện hữu xuống phía Nam sông Sặt và phía Tây sông Thái Bình là khu vực phát triển các khu đô thị tổng hợp, bao gồm các chức năng chính về phát triển dân cư đô thị, giáo dục, dịch vụ thương mại, trung chuyển đầu mối giao thông.
Về phía Bắc và Đông thành phố sẽ phát triển đô thị sinh thái và hệ sinh thái nông nghiệp kết hợp với du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông, du lịch nông nghiệp…
CẦN TĂNG KẾT NỐI GIAO THÔNG LIÊN VÙNG
Theo bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Bộ Xây dựng, Hải Dương cần làm rõ hơn về việc khai thác hiệu quả sông Sặt và sông Thái Bình; đưa ra các yêu cầu về thiết kế đô thị đối với từng khu vực và cân nhắc về việc phát triển hệ thống giao thống đường sắt.
Ngoài ra, ý kiến của các đại biểu cũng cho rằng TP.Hải Dương có đủ điều kiện để trở thành đầu mối, trung tâm về thương mại nông sản và trung tâm logistic. Việc di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi trung tâm thành phố cần giải quyết rốt ráo, tạo không gian cho đô thị.
Hệ thống giao thông cần phát triển theo hướng tăng kết nối liên vùng, đặc biệt là với tuyến đường vành đai 5 của Hà Nội sắp tới triển khai.
Việc quy hoạch TP. Hải Dương cũng cần đánh giá đúng tầm và quan tâm để có những công trình, không gian bảo tồn, phát triển những nét đặc sắc của văn hóa xứ Đông.
Về phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Dương, ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương, cho biết việc quy hoạch cần phải quan tâm tới việc khai thác tiềm năng, lợi thế của sông Thái Bình, sông Sặt, coi đây là điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.
Có thể tính đến phương án di chuyển những công trình không phù hợp ra khỏi khu vực nội thành để tạo kiến trúc cảnh quan, không gian cảnh quan thông minh, hiện đại.
Ông Bản cũng nhấn mạnh những bất cập về hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, xử lý nước thải tại TP. Hải Dương vẫn còn tồn tại, mặc dù thành phố đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I năm 2019.
Do đó, phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Dương phải nhìn thẳng vào những hạn chế, vướng mắc để có tính toán hợp lý, lâu dài. Các nội dung điều chỉnh phải dựa trên cơ sở thực tế, định hướng phát triển, thể hiện tầm nhìn chiến lược.
Định hướng phát triển phải đặt trong tổng thể không gian đô thị và giá trị cốt lõi là tính văn hóa bản địa, từ đó nâng cao thương hiệu đô thị. Phương án điều chỉnh quy hoạch phải khớp với quy hoạch về đất đai, phù hợp với hệ thống pháp lý hiện hành.
Ông Bản yêu cầu TP. Hải Dương cần rà soát lại quỹ đất, đánh giá thực trạng sử dụng đất để có phương án bố trí, sử dụng đất hiệu quả. Quy hoạch phải có tính kế thừa, trên nền tảng cấu trúc đô thị hiện có.
Đồng thời, xác định nguồn lực triển khai thực hiện, kinh phí đầu tư, thực hiện quy hoạch cần được hoạch định từ khi làm quy hoạch để tránh lúng túng, bị động.
Theo Quyết định số 1941 (ngày 18/11/2021) phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Hải Dương đến năm 2040 với phạm vi toàn bộ ranh giới hành chính thành phố, gồm 19 phường và 06 xã, có diện tích tự nhiên 111,68 km2.
Theo quy hoạch, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương, sẽ là đầu mối giao thông quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng, đầu mối kết nối quan trọng giữa Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh…
Quy mô dân số: Dự kiến đến năm 2030 khoảng 595.000 người; đến năm 2040 khoảng 669.000 người.
Quy mô đất đai phát triển đô thị: Đến năm 2030 đất xây dựng khoảng 5.500-6.500ha, trong đó, đất dân dụng khoảng 3.500-4.000ha, đất ngoài dân dụng khoảng 2.000-2.500ha.
Đến năm 2040 đất xây dựng khoảng 7000-8.000ha, trong đó, đất dân dụng khoảng 4.200-4.700ha, đất ngoài dân dụng khoảng 2.700-3.200ha.