Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa lũ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã thông báo tới các cá nhân, tổ chức khai thác đất, cát, sỏi lòng sông, bãi sông trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của giấy phép và dừng mọi hoạt động khai thác từ ngày 15/6-31/10.
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động bến bãi chứa, kinh doanh vật liệu và các hoạt động khác ngoài bãi sông có liên quan đến đê điều, thoát lũ tuân thủ các quy định của Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai và giấy phép được cấp. Di chuyển toàn bộ máy móc, trang thiết bị, giải tỏa toàn bộ vật liệu, nhiên liệu và các vật cản lũ khác trên bãi sông trước ngày 15/6.
Hải Dương là một tỉnh có 20 tuyến sông với tổng chiều dài là 420 km, trong đó có 14 tuyến sông quốc gia, dài gần 300 km, chảy qua nhiều địa bàn giáp ranh, ở xa nơi dân cư nên công tác đấu tranh với cát “tặc” gặp rất nhiều khó khăn.
Thực hiện đề án phòng, chống khai thác cát trái phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, các cơ quan chức năng địa phương này đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đấu tranh, qua đó phát hiện, xử lý gần hàng trăm trường hợp, xử phạt nhiều tỷ đồng các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên cát trái phép.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao và nhu cầu cát xây dựng lớn, một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở và một số ngành chức năng chưa vào cuộc quyết liệt, nhiều nơi phó mặc, chưa phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, nên tình trạng khai thác cát vẫn còn tồn tại.
Sau mỗi đợt cao điểm tấn công, trấn áp với cát “tặc” trước đây, tình hình khai thác cát trái phép lại có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại. Trên một số tuyến sông còn xảy ra tình trạng các tầu thuyền gắn phương tiện, vòi hút cát neo đậu dọc tuyến sông, túc trực, chờ thời điểm thích hợp để hoạt động hút trộm cát.
Có thời điểm, có từ 70 đến 80 tầu khai thác cát trái phép cùng hoạt động trong một đêm gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, nhiều điểm bờ bãi ven sông của tỉnh Hải Dương bị sạt lở nghiêm trọng...
Khi không thể khai thác cát trên dòng chảy của sông, các đối tượng cát “tặc” có dấu hiệu thay đổi thủ đoạn hoạt động sang đấu thầu các dự án thuê đất bãi ven sông để trồng trọt, nuôi trồng thủy sản nhưng thực chất để móc ngoặc, khai thác khoáng sản trái phép.
Những năm gần đây, có những thời điểm, nhiều cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, khai thác cát, sỏi đã lợi dụng đêm tối, khai thác cát, sỏi trái phép, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống đê bao, mất hàng trăm ha đất canh tác của người dân gây bức xúc trong dư luận.
Việc Hải Dương cấm triệt để toàn bộ hoạt động khai thác cát trong các tháng mưa bão là động thái quyết liệt, vừa để bảo vệ tài nguyên vừa giữ an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa bão năm nay.