Đó là cam kết của ông Trần Đức Thắng, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương tại Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp FDI đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh vừa diễn ra ngày 18/5/2023 tại Hải Dương.
Tại Hội nghị này, Hải Dương mong muốn lắng nghe các yêu cầu, nguyện vọng cùng những khó khăn, vướng mắc xảy ra trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh. Và sẽ cùng các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đã đề xuất, kiến nghị.
VAI TRÒ, VỊ TRÍ QUAN TRỌNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP FDI
Theo số liệu từ Sở kế hoạch đầu tư Hải Dương, năm 2022, về kinh tế- xã hội, Hải Dương cơ bản đạt được các mục tiêu tổng quát và 09/16 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9% (kế hoạch đặt ra tăng từ 10% trở lên); thu ngân sách nhà nước vượt 30% dự toán năm; các chính sách nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân được thực hiện tốt…
“Những đóng góp của các doanh nghiệp FDI đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và hỗ trợ mọi điều kiện để doanh nghiệp FDI phát triển.
Riêng đối với Hải Dương, trong quá trình phát triển kinh tế của Tỉnh, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh đều khẳng định các doanh nghiệp FDI luôn là nguồn ngoại lực có vai trò, vị trí đặc biệt đối với tỉnh. Vì thế, Hải Dương, luôn luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp FDI hoạt động”.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương khẳng định, những thành quả đó có phần đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp FDI. Và trong quá trình phát triển kinh tế của Hải Dương, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh đều khẳng định các doanh nghiệp FDI luôn là nguồn ngoại lực có vai trò, vị trí đặc biệt đối với tỉnh. Vì thế, Hải Dương, luôn luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp FDI hoạt động.
Theo ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, qua những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp về công tác chỉ đạo điều hành, về cơ chế chính sách của tỉnh sẽ giúp tỉnh đưa ra các chủ trương, biện pháp đúng đắn, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cũng nhân dịp này, Hải Dương đã tuyên dương 24 doanh nghiệp tiêu biểu với những thành tích xuất sắc trong quá trình đầu tư tại tỉnh. Ông Trần Đức Thắng, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp như vậy và khẳng định: “Những đóng góp của các doanh nghiệp FDI đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và hỗ trợ mọi điều kiện để doanh nghiệp FDI phát triển”.
Dẫn chứng từ Công ty TNHH Ford Việt Nam - là một trong 24 doanh nghiệp FDI tiêu biểu được vinh danh lần này với nhiều ứng dụng và phát triển công nghệ mới trong sản xuất, có nhiều đóng góp cho kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đây là nhà đầu tư Mỹ lớn nhất trong lĩnh vực ô tô trong hơn 27 năm qua tại tỉnh Hải Dương (Công ty TNHH Ford Việt Nam là liên doanh giữa Công ty Ford Motor (Mỹ) chiếm 75% và Công ty Diesel Sông Công (25%). Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm Công ty này và đề nghị công ty nghiên cứu mở rộng sản xuất tại Hải Dương.
NĂM NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM HƯỚNG TỚI FDI
Mặc dù thời gian qua, Hải Dương đã liên tục đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Nhưng qua phản ánh, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc từ phía các doanh nghiệp, cũng như trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, các cấp ủy, chính quyền, Hải Dương vẫn nhận thấy rằng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn có hạn chế, chưa tạo được sự thông thoáng cần thiết; một số vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp chưa được xử lý, tháo gỡ kịp thời, thỏa đáng.
Ông Trần Đức Thắng, Bí thư tỉnh ủy cũng thẳng thắn nhận xét rằng: “Những hạn chế, yếu kém, có một phần nguyên nhân do cơ chế, chính sách chung; song phần nhiều xuất phát do nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan Nhà nước, từ đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ”.
Đối với những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong phạm vi của tỉnh, Hải Dương sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết nhanh, dứt điểm; còn đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, Tỉnh sẽ tiếp thu và có kiến nghị để tháo gỡ kịp thời.
Về phía tỉnh Hải Dương, ông Trần Đức Thắng, Bí thư tỉnh ủy cho rằng để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong những tháng cuối năm và những năm tới còn hết sức nặng nề.
Tuy vậy, Hải Dương sẽ tạo mọi điều kiện, môi trường đầu tư tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Cụ thể, Bí thư tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan chính quyền tỉnh thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, phải tạo bước chuyển biến đột phá, đi vào thực chất về cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nghiêm túc rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đề xuất cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết và gây phiền hà cho doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng và cấp phép lao động.
Thứ hai, đảm bảo tính minh bạch, tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực của cộng đồng các doanh nghiệp. Tổ chức công khai và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được phê duyệt. Xây dựng và công khai các quy hoạch trên môi trường mạng điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp phục hồi, cơ cấu lại thị trường lao động, gắn với nâng cao chất lượng đào tạo lao động; đẩy mạnh thực hiện phương thức liên kết, hợp tác đào tạo giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, thực hiện việc xúc tiến đầu tư, thương mại, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đối thoại, xử lý các vướng mắc ngay sau đối thoại với các doanh nghiệp; nắm bắt kịp thời, xử lý hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền trong tỉnh phải quán triệt nghiêm túc tinh thần của Chính phủ với phương châm, quan điểm “chính quyền kiến tạo”; thay đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ” với mục tiêu xuyên suốt là “vì doanh nghiệp”.
Thứ năm, coi trọng làm tốt công tác giám sát, kiểm tra việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức; đề cao và gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong các cơ quan, địa phương, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức có biểu hiện sách nhiều, gây phiền hà đối với doanh nghiệp.