Việt Nam hiện đang tích cực triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế, khi phần lớn nhóm đi làm việc ở nước ngoài là lao động phổ thông.
ĐƯA LAO ĐỘNG SANG CÁC THỊ TRƯỜNG THU NHẬP CAO
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2021, nhiều thị trường lao động nước ngoài đã tạm ngừng hoặc hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam nhập cảnh, nên số lượng đưa đi giảm sút nhiều.
Tuy nhiên, đến năm 2022, nhiều quốc gia đã mở cửa tạo cơ hội đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập, đồng thời là một nguồn cung lao động chất lượng khi về nước.
Trong giai đoạn 2016-2022, bình quân hàng năm cả nước đưa được trên 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó 70% là lao động độ tuổi từ 18-30 tuổi.
Riêng trong năm 2022, cả nước đã đưa 142.779 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 48.835 lao động nữ), vượt mục tiêu đề ra, tăng 3,16 lần so với năm 2021 và xấp xỉ bằng thời điểm trước dịch Covid-19.
Trong những tháng đầu năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước; tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Thống kê trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 45.000 người, đạt khoảng 40% kế hoạch năm, góp phần giải quyết việc làm, giảm thất nghiệp. Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết trong thời gian qua, số lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài tập trung chủ yếu ở các thị trường chính như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, chiếm 95% tổng số lao động đi làm việc tại các thị trường.
“Đây cũng là những thị trường có thu nhập khá cao, điều kiện làm việc tốt, trình độ khoa học công nghệ hiện đại, nơi góp phần giúp người lao động có điều kiện tiếp thu, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp của mình”, ông Liêm cho biết.
Cũng theo ông Liêm, qua thời gian đi lao động ở nước ngoài, sau khi hết thời hạn hợp đồng về nước, với kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn đã được đào tạo, làm việc trong môi trường hiện đại, công nghiệp, đây sẽ là nguồn lao động tiềm năng, chất lượng cao cho phát triển đất nước. Nhờ kinh nghiệm có được đã giúp người lao động về nước có thể khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.
TĂNG NHU CẦU TIẾP NHẬN LAO ĐỘNG CÓ KỸ NĂNG
Lao động Việt Nam hiện có mặt ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và làm việc trong khoảng 30 ngành, nghề khác nhau, nhưng phần lớn là làm những công việc phổ thông, không cần đến trình độ tay nghề cao.
Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2021 cũng cho thấy, lao động đi làm việc ở nước ngoài đa phần là thanh niên. Tổng số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài từ năm 2018 đến 2021 là hơn 250.000 người, thì hơn 47% trong số họ có trình độ học vấn cao nhất là cấp trung học phổ thông, trình độ trung học cơ sở là 23,1%.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm cho rằng hiện nay, do yêu cầu của sự phát triển khoa học công nghệ khiến nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài có trình độ kỹ năng tại các thị trường ngày càng cao. Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn lao động cần được quan tâm hơn nữa, đòi hỏi sự vào cuộc, nỗ lực từ nhiều phía, Nhà nước, doanh nghiệp và chính bản thân người lao động.
“Đây không phải vấn đề bây giờ mới đặt ta mà từ trước đây đã được đề cập nhiều lần. Tuy nhiên, nếu như trước đây các nước chủ yếu tiếp nhận lao động phổ thông, thì nay có nhu cầu lớn về lao động có trình độ và ngoại ngữ”, ông Liêm nhấn mạnh.
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và nhiều quy định pháp luật đã được ban hành nhằm tăng cường công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, khuyến khích, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, song, ông Liêm nhấn mạnh rằng, chính sách vẫn hướng đến việc tìm kiếm và mở rộng các thị trường an toàn, có thu nhập cao. Thông qua đó, người lao động được học tập, nâng cao trình độ và phát huy được những yếu tố này sau khi về nước.
Để nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Liêm cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc gắn kết với các doanh nghiệp tuyển chọn, đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm để tăng chất lượng nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu.
Theo ông Liêm, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này đã có nhưng nhiều năm qua mới tập trung vào hỗ trợ cho người lao động nghèo, yếu thế, người lao động ở vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo… “Chúng ta vẫn chưa có một chính sách chung về nâng cao chất lượng cho nhóm lao động đi làm việc ở nước ngoài, vì vậy, chúng tôi đang đề xuất để sắp tới sẽ xây dựng đề án làm sao nâng cao chất lượng của nhóm lao động này”, ông Liêm cho biết.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng nhấn mạnh, về lâu dài, chúng ta không khuyến khích lao động phổ thông đi làm việc nước ngoài, mà khuyến khích lao động có trình độ chuyên môn để đảm bảo thu nhập, môi trường làm việc, tăng năng lực cạnh tranh. Do đó, Cục cũng lưu ý các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chú trọng nâng cao đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc cho người lao động.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, trong giai đoạn tới, dân số Việt Nam bước vào thời kì “già hóa”, do đó, việc ưu tiên đưa số lượng lớn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể không còn phù hợp nữa mà sẽ chú trọng vào chất lượng lao động để đáp ứng mục tiêu hài hòa giữa thị trường lao động trong và ngoài nước.