April 05, 2023 | 17:20 GMT+7

Chiêu trò lừa đảo xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, làm visa định cư Mỹ

Như Nguyệt -

Việc tìm hiểu kỹ công ty xuất khẩu lao động, du học là rất cần thiết vì không phải doanh nghiệp nào cũng có đầy đủ giấy phép để đưa lao động ra nước ngoài. Điều này cũng giúp người lao động tránh mất tiền oan vào các đối tượng lừa đảo...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 5/4, TAND TP Hà Nội xử phạt Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1987, ở quận Nam Từ Liêm, giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ và tư vấn Lan Anh HB) mức án 10 năm về hành vi chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu đi du học.

DOANH NGHIỆP CHƯA ĐƯỢC CẤP PHÉP VẪN “LÀM LIỀU”

Trước đó, năm 2017, Lan Anh thành lập Công ty TNHH dịch vụ tư vấn và đào tạo du học HMD Việt Nam đăng ký trụ sở ở phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm nhưng thực tế hoạt động ở quận Cầu Giấy. Sau đó, Lan Anh đổi tên thành Công ty Lan Anh HB với ngành nghề là dịch vụ dạy kèm (gia sư), dạy ngoại ngữ và kỹ năng đàm thoại, dịch vụ hỗ trợ giáo dục như tư vấn giáo dục…

Công ty Lan Anh HB không được Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, không được Sở giáo dục và đào tạo TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Tuy nhiên, từ tháng 3/2017 – 5/2020, Lan Anh vẫn đưa ra thông tin gian dối, giới thiệu công ty có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động, du học và làm visa thương mại đi Hàn Quốc để chiếm đoạt tiền.

Theo đó, khoảng tháng 7/2018, qua quan hệ xã hội, anh Nguyễn Văn L. (SN 1981, ở Hưng Yên) nhờ Lan Anh làm hồ sơ du học Hàn Quốc cho người quen. Lan Anh thỏa thuận chi phí là 9.500 USD gồm visa, học tiếng Hàn Quốc, vé máy bay hai chiều, tiền học 1 năm đầu.

Sau khi nhận tiền đặt cọc và hồ sơ, khoảng 4 tháng sau, Lan Anh thông báo cho anh L. có thông báo của Trường đại học Hàn Quốc và yêu cầu anh L. đóng tiền. Lan Anh cũng thông báo đã gửi hồ sơ sang Công ty du học Bảo Anh để hỗ trợ nộp sang trường đại học bên Hàn Quốc. Thực chất, Công ty Lan Anh HB và Công ty du học Bảo Anh không có thỏa thuận hợp tác làm ăn. Tổng số tiền Lan Anh chiếm đoạt của anh L. là hơn 291 triệu đồng.

Tổng số tiền Lan Anh chiếm đoạt của 6 bị hại là hơn 916 triệu đồng và sử dụng vào mục đích cá nhân. Đến nay Lan Anh mới khắc phục một phần hậu quả. Vào tháng 9/2022, Lan Anh còn nhận bản án 4 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lan Anh tại tòa ngay 5/4.
Lan Anh tại tòa ngay 5/4.

Trước đó, TAND TP Hà Nội đã xử phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thụ (giám đốc Công ty cổ phần thương mại và du lịch Rồng Việt) 14 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hồ sơ cho thấy, Thụ đưa ra thông tin làm được visa đi Úc theo diện đào tạo nâng cao nghề nghiệp kết hợp việc làm và visa định cư tại Mỹ. Thụ đã đến một Công ty cổ phần về văn hóa giáo dục để giới thiệu, tư vấn, hỗ trợ làm visa cho mọi người ở đây. Thụ hứa hẹn sẽ làm xong visa trong thời gian từ 3 đến 6 tháng. Thấy lời giới thiệu hấp dẫn trên, 5 cá nhân đang theo học tiếng Anh ở đây đã ủy quyền cho Công ty cổ phần Văn hóa giáo dục trên ký hợp đồng với Công ty Rồng Việt.

Theo hợp đồng trên, 5 cá nhân đã nộp mỗi người từ 5.000 USD đến 8.500 USD. Sau đó, Thụ nhận 5 người này và tổ chức học ngoại ngữ, thực tập và đào tạo tay nghề.

Bên cạnh đó, do được Thụ hứa thưởng riêng 500 USD/trường hợp được cấp visa nên sếp của 5 cá nhân trên đã ứng trước cho Thụ số tiền 43.500 USD (tương đương hơn 948 triệu đồng) để đặt cọc. Tuy nhiên, đến năm 2017, họ không thấy cấp dưới của mình được cấp visa nên yêu cầu Thụ phải trả lại số tiền đã tạm ứng. Tuy nhiên, Thụ chỉ hứa hẹn rồi bỏ trốn. Ngoài ra, Thụ còn nhận hồ sơ và tiền của một số cá nhân khác để làm visa như đã hứa nhưng không thực hiện được và cũng không trả lại tiền cho họ.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và xã hội) cho biết, Công ty Rồng Việt không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người đi lao động ở nước ngoài. Cá nhân Thụ cũng không đăng ký hồ sơ tại Cục Quản lý lao động ngoài nước liên quan đến hình thức visa này.

Tại cơ quan điều tra, Thụ khai nhận, Công ty Rồng Việt có ký hợp đồng dịch vụ với các công ty và văn phòng luật sư ở Mỹ chịu trách nhiệm theo dõi, thẩm định và gửi hồ sơ đến Bộ Lao động, Bộ Di trú và Trung tâm thị thực quốc gia để xét duyệt cấp visa định cư EB3. Tuy nhiên, những lời khai trên của Thụ không có tài liệu, giấy tờ chứng minh.

Thụ cũng khai đưa tiền cho một số người để làm visa, song cơ quan chức năng chưa xác định được nhân thân họ. Ngoài ra, bị cáo cũng đã trả tiền cho một số bị hại. Cơ quan điều tra xác định, Thụ đã chiếm đoạt của 21 bị hại số tiền 5,3 tỷ đồng.

MẤT TIỀN OAN CHO CÁ NHÂN LỪA ĐẢO

Hồi tháng 3/2022, Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố bị can Phạm Thị Lê Thanh (SN 1977, ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) về hành vi chiếm đoạt tiền của người lao động.

Thanh từng có thời gian sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc nên nắm được quy trình và thủ tục làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại quốc gia này. Mặc dù bản thân không ký kết hợp đồng cung cấp lao động hay nhận ủy quyền tuyển dụng cho bất kỳ công ty nào ở Hàn Quốc, cũng không có chức năng, nhiệm vụ tuyển dụng đưa người lao động từ Việt Nam sang Hàn Quốc nhưng do Thanh đã lên kế hoạch lừa đảo đưa lao động sang Hàn làm việc.

Từ tháng 6/2022 -11/2022, Thanh tung tin gian dối về việc có khả năng đưa được người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo diện ngắn hạn E8 (03 năm 10 tháng) và diện dài hạn E9 (04 năm 10 tháng) của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với chi phí trọn gói là 100 triệu đồng/1 người.

Người lao động chỉ cần đặt cọc số tiền là 35 triệu đồng, nộp hộ chiếu gốc và gửi ảnh chụp căn cước công dân, sau đó Thanh sẽ có trách nhiệm làm toàn bộ thủ tục. Trog vòng 2 tháng, nếu không đi được, Thanh sẽ trả lại tiền đặt cọc, hồ sơ và hộ chiếu. Nhờ đó, Thanh đã chiếm được lòng tin của nhiều người.

Trong vòng 6 tháng, Thanh đã nhận hồ sơ của hàng chục trường hợp có nhu cầu xuất khẩu lao động hiện đang cư trú tại các tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thái Bình với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được đã bị đối tượng chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân mà không có bất cứ trường hợp nào được xuất cảnh lao động như hứa hẹn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate